Ngày 28/6/2013, Hội nghị Thường trực HĐND tỉnh các tỉnh Bắc Trung Bộ lần thứ 5 diễn ra tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Hội nghị được đón tiếp đồng chí Nguyễn Viết Lểnh, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu - Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện Vụ Công tác đại biểu, Vụ Công tác Miền Trung và Tây Nguyên, Báo Đại biểu nhân dân - Văn phòng Quốc hội; Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân 6 tỉnh Bắc Trung Bộ: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Đồng chí Lê Hữu Phúc – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị phát biểu chào mừng và khai mạc hội nghị.
Tại hội
nghị giao ban, đại diện Thường trực HĐND 6 tỉnh cùng báo cáo trao đổi kinh
nghiệm trong hoạt động của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đồng thời
tập trung thảo luận, phân tích sâu về chủ đề liên quan trực tiếp đến chế định
chính quyền địa phương được đề cập trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các
báo cáo tham luận của các tỉnh tập trung đi sâu phân tích, đánh giá những kết
quả đạt được trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội
đồng nhân dân các cấp theo quy định của Hiến pháp năm 1992 và các văn bản quy
phạm pháp luật hiện hành. Đồng thời thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, hạn
chế và đưa ra những kiến nghị cụ thể đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc
hội, Chính phủ; đề xuất những biện pháp nhằm không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu
lực và hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp trong thời gian tới.
Thay
mặt Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Trần Đức Thanh báo cáo tại hội
nghị một số kết quả hoạt động của HĐND tỉnh 6 tháng đầu năm 2013. Báo cáo tập
trung vào ba nội dung chính: hoạt động giám sát chuyên đề, hội nghị chất vấn
giữa hai kỳ họp, việc tham gia vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và các dự
án luật.
Tại hội
nghị, đồng chí Uỷ viên Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa cũng thẳng thắn đưa ra ý
kiến: hoạt động của chính quyền địa phương đã được hiến định từ Hiến pháp 1959
bao gồm HĐND và UBND, đó là hai bộ phận không thể tách rời, thống nhất biện
chứng và thúc đẩy nhau cùng vận động phát triển. Mỗi bộ phận của chính quyền
địa phương có chức năng, nhiệm vụ thẩm quyền riêng nhưng đều nhằm mục đích thực
hiện quyền dân chủ trực tiếp đại diện của nhân dân để tổ chức ra HĐND và UBND;
nhân dân thông qua cơ chế dân chủ này để thực thi và kiểm soát quyền lực nhà
nước.
Chủ đề giao
ban Hội nghị lần này có ý nghĩa thiết thực cả về mặt lý luận và thực tiễn, thể
hiện sự đoàn kết, phối hợp cùng nhau chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm nhằm
không ngừng đổi mới phương thức hoạt động để Hội đồng nhân dân thực sự là cơ quan
quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí nguyện vọng và quyền làm
chủ của nhân dân.
Như Hoa
ảnh:
Như Tú