Thực hiện chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2013 và để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khóa XVI, sáng ngày 30/8/2013, Thường trực HĐND tỉnh đã làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa để nghe tình hình thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp và việc giải quyết các ý kiến kiến nghị của cử tri. Đồng chí Lê Thị Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Trần Đức Thanh, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc; cùng tham dự có các Phó trưởng ban chuyên trách của HĐND tỉnh, một số đại biểu HĐND tỉnh, lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.
Qua nghe báo cáo, các Nghị quyết
của HĐND tỉnh đã được thực hiện khá hiệu quả. Đối với Nghị quyết về cơ chếchính sách phát triển
chăn nuôi gia súc, gia cầm giai đoạn 2011 – 2015 đã được triển
khai sâu rộng, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, tạo động lực mới thúc đẩy
phát triển chăn nuôi cả về số lượng và chất lượng; tỷ lệ bò lai tăng, tạo điều
kiện nâng cao năng suất, hiệu quả trong chăn nuôi, từng bước thay đổi tập quán
chăn nuôi cũ, phân tán, nhỏ lẻ, sang chăn nuôi tập trung, công nghiệp, an toàn
dịch bệnh có sản phẩm hàng hoá lớn. Chính sách phát triển trang trại chăn nuôi
tập trung còn tạo điều kiện bố trí việc làm cho hàng trăm cán bộ kỹ thuật về
chăn nuôi, thú y trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên công tác quy hoạch chăn nuôi
trang trại nhiều huyện, xã chưa triển khai, do đó chuyển đổi mục đích sử dụng đất
xây dựng trang trại, lập dự án đầu tư còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng.
Đối với chính sách hỗ trợ phát triển cao su trên địa
bàn tỉnh giai đoạn 2011 – 2015, đến nay diện tích toàn tỉnh đã có 17.600,7 ha cao su. Tổng kinh phí tỉnh hỗ trợ 3 năm từ 2011-2013 là: 55.699,4
triệu đồng. Tuy nhiên việc triển khai thực hiện trồng cao
su năm 2013 gặp khó khăn tiến độ trồng mới cao su từ đầu năm 2013 đến nay chậm, một số đơn vị có khả năng không thực hiện đạt
kế hoạch là Như Thanh, Như Xuân và làng Thanh niên lập nghiệp Sông Chàng.
Nguyên nhân ở một số địa phương, nông dân tranh thủ sử dụng diện tích đất
trồng cao su để trồng một số cây trồng ngắn ngày khác do chưa thu hoạch nên
chưa triển khai trồng cao su. Nhiều hộ thiếu vốn đầu tư, thiếu lao động đã ảnh
hưởng đến tiến độ trồng mới cao su; tại các huyện vẫn còn hiện tượng người dân tự đi mua
giống không đảm bảo chất lượng về trồng. Do đó, không làm được thủ tục thanh
quyết toán theo chính sách hỗ trợ của tỉnh.
Về cơ chế, chính sách xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu
quả cao, đến tháng 4/2013, diện tích vùng
lúa thâm canh toàn tỉnh là 51.975 ha (đạt 139% so với kế hoạch Tỉnh giao). Năng suất bình quân đạt 65,7tạ /ha; trong
đó vụ xuân đạt 73,2 ta/ha. Hiệu quả được nâng lên rõ rệt; kênh mương đã
kiên cố hóa 573,6 km; giao thông nội đồng đã kiên cố hóa 814,2 km; Máy gặt đập
đã mua 371 máy. Trình độ thâm canh và ý thức sản xuất lúa gạo hàng
hoá của nhân dân tiếp tục được nâng cao thông qua công tác tập huấn, tuyên truyền. Tuy nhiên vẫn còn khó khăn tồn tại như: sản
xuất lúa gạo tuy tạo được số lượng lớn song chưa có có các đầu mối thu mua với
số lượng lớn, chưa tạo thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung. Giá vật tư tăng cao (trên 20%) dẫn đến kinh phí thực
hiện kiên cố hoá kênh mương và giao thông nội đồng tăng, trong khi mức đóng góp
của nhân dân còn hạn chế đã ảnh hưởng đến khối lượng thực hiện của các huyện.
Chính sách phát triển sản
xuất rau an toàn là một chủ trương phù hợp, đáp ứng yêu cầu bức thiết trong
giai đoạn hiện nay, do vậy được sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh
đặc biệt là người sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trong quá trình triển khai đã được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp
ủy Đảng, Hội đồng nhân dân, UBND các cấp và các tổ chức chính trị cùng vào cuộc.
Tuy nhiên tập quán canh tác lâu đời của người dân khó thay đổi khi áp dụng
các quy trình sản xuất an toàn theo quy định; nhận thức của người dân còn hạn
chế nên công tác tập huấn, hướng dẫn gặp khó khăn.
Việc giải quyết các ý kiến kiến nghị
của cử tri liên quan đến lĩnh vực như đầu tư các công trình thủy lợi, đê điều và
phòng chống lụt bão; lĩnh
vực phát triển nông thôn và lĩnh vực lâm nghiệp… Sở tiếp thu các ý kiến của cử
tri và sẽ có phương án giải quyết các lĩnh vực trong thời gian tới.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Lê Thị
Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao
những kết quả đạt được của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Đồng chí đề
nghị trong thời gian tới Sở nên rà soát lại các
quy hoạch cho phù hợp; lựa chọn vùng nguyên liệu và rà soát vùng nguyên liệu
như vùng mía, cao su, sắn… cho phù hợp với điều kiện của địa phương; lựa chọn
một số điểm sau đó nhân rộng ra về cắm mốc phân định ranh giới 3 loại
rừng; tăng cường công tác kiểm tra sau khi các trang trại hoạt động
như bao nhiêu trang trại đạt tiêu chí, bao nhiêu trang trại không đạt tiêu chí;
tăng cường công tác chỉ đạo, tuyên truyền các cơ chế chính sách do tỉnh ban
hành để cho nhân dân được thực hiện. Đề nghị sở tổng hợp, sắp xếp lại các công trình đê điều theo thứ
tự ưu tiên đầu tư trình cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết.
Trần Thị Hiền