Thực hiện chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2013; ngày 14 tháng 8 năm 2013, Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh tiến hành làm việc với Sở Công thương Thanh Hóa về tình hình thực hiện cơ chế chính sách khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Phùng Bá Văn Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trưởng ban kinh tế và ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh chủ trì buổi làm việc, tham dự buổi làm việc có đồng chí Trần Đức Thanh Uỷ viên Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính.

ktns_14_8_20131.JPG

Để thúc đẩy phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 48/2006/NQ-HĐND ngày 28 tháng 7 năm 2006 về cơ chế khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Nghị quyết số 95/2008/NQ-HĐND ngày 19 tháng 7 năm 2008 về sửa đổi Nghị quyết số 48/2006/NQ-HĐND.

Kết quả thực hiện các nghị quyết nêu trên đã từng bước khôi phục các nghề truyền thống, nhân cấy nhiều nghề mới. Trước đây các nghề tiểu thủ công nghiệp chỉ được xem là nghề phụ để giải quyết thời gian nông nhàn và lao động dư thừa ở nông thôn, thêm thu nhập cho gia đình; đến nay nhiều nơi đã coi là ngành nghề chính trong phát triển kinh tế của gia đình và địa phương, nhiều sản phẩm mới ra đời, các làng nghề mới xuất hiện. Hiện nay cả tỉnh có 155 làng nghề tiểu thủ công nghiệp, đang làm thủ tục để công nhận 39 làng nghề truyền thống, 08 làng nghề, 04 nghề truyền thống.

Gía trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp năm 2006 là 9.188,2 tỷ đồng đến năm 2012 đạt 23.672,5 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 17,2%/năm, góp phần đáng kể vào tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh; góp phần vào quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp của tỉnh có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, thiếu vốn đầu tư sản xuất, khó kiện tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng. Cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp yếu kém, tiến độ đầu tư xây dựng chậm làm giảm khả năng thu hút các nhà đầu tư. Một số huyện, xã chưa quan tâm đến phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề. Đầu ra một số sản phẩm tiểu thủ công nghiệp gặp khó khăn, thị trường không ổn định.

Phát biểu kết thúc buổi làm việc, đồng chí Phùng Bá Văn Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh: việc duy trì, phát triển các ngành nghề truyền thống, du nhập, nhân cấy các nghề mới trong thời gian qua đã giải quyết được nhiều việc làm cho lao động nông thôn và cả thành thị; tăng thu nhập cho người lao động và có đóng góp đáng kể vào tăng trưởng giá trị sản xuất hàng năm của tỉnh. Tuy nhiên một số ngành nghề truyền thống có nguy cơ bị mai một, một số nghề mới phát triển chậm. Vốn đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp còn hạn chế, tiến độ thực hiện chậm. Việc thực hiện cơ chế, chính sách phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề còn một số bất cập; nội dung một số chính sách đến nay không còn phù hợp, cần được sửa đổi. Đồng chí đề nghị các ngành có liên quan cần quan tâm hơn nữa đến phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề trên địa bàn tỉnh. Các kiến nghị Ban kinh tế và ngân sách sẽ tổng hợp và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh.

Lê Quốc Thành


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình chọn
Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
542 người đã bình chọn
Thống kê truy cập
Thống kê: 4.206.142
Trong năm: 1.361.419
Trong tháng: 132.789
Trong tuần: 26.632
Trong ngày: 651
Online: 96