Thực hiện chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2013, Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh đã có buổi làm việc tại huyện Bá Thước về tình hình thực hiện Đề án kiên cố hoá trường lớp học và nhà công vụ giáo viên, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tham gia đoàn giám sát có đồng chí: Trần Đức Thanh, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, đại diện một số sở, ngành, cơ quan có liên quan, đại diện lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh. Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng Ban Văn hóa –Xã hội HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc.

vhxh_12_8_20131.jpg

Sau khi trực tiếp khảo sát tại Trường THCS Ái Thượng và Trung tâm giáo dục thường xuyên dạy nghề, lãnh đạo UBND huyện Bá Thước đã báo cáo về Đề án kiên cố hoá trường lớp học và nhà công vụ giáo viên, sau 3 năm thực hiện (2008, 2009 và 2010) huyện đã được đầu tư thêm 66 dự án với 313 phòng, trong đó có 242 phòng học và 71 phòng công vụ giáo viên, nâng tỉ lệ phòng học kiên cố hoá trong toàn huyện đạt 86%, cơ bản đã đáp ứng đủ số phòng học, đủ điều kiện về diện tích, ánh sáng phục vụ cho giảng dạy và học tập; hệ thống nhà công vụ giáo viên đã được cải thiện nhiều, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho đội ngũ các thầy, cô giáo sinh hoạt và làm việc thuận lợi hơn. Chất lượng các dự án thuộc chương trình kiên cố hoá trường, lớp học giai đoạn 2008 - 2012 của Chính phủ triển khai có hiệu quả, đảm bảo chất lượng. Tính đến tháng 7 năm 2013 nguồn kinh phí hỗ trợ đầu tư thực hiện đề án và giải ngân các nguồn vốn đầu tư là 48.242,983 triệu đồng, trong đó: nguồn trái phiếu Chính phủ 45.412,600 triệu đồng; ngân sách địa phương 2.830,383 triệu đồng. Số dự án quyết toán công trình trường lớp học là 44/45 đạt 97,72%, số dự án chưa quyết toán 01/45 đạt 2,28%. Nhà công vụ giáo viên phê duyệt quyết toán 21/21 đạt 100%.

Về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, tính đến tháng 7 năm 2013 tổng số lao động được đào tạo 2.537 lao động. Về cơ sở vật chất và thiết bị dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề được trang bị 3 bộ thiết bị dạy nghề gồm may công nghiệp 22 máy, điện dân dụng, tin học 25 bộ máy vi tính. Có 3 giáo viên trực tiếp giảng dạy 3 nghề gồm may công nghiệp, điện dân dụng và tin học. Trong thời gian tới huyện đang hoàn thiện đề án đưa 1000 lao động vào học nghề và làm việc tại Công ty cao su thuộc tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, đồng thời tuyển chọn đưa trên 300 lao động vào học nghề và làm việc tại Công ty cổ phần Sài Gòn FOOD, tiếp tục hoàn thiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2013 - 2020 nhằm nâng cao chất lượng lao động, ổn định việc làm và thu nhập cho lao động trên địa bàn huyện.

Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng đã ghi nhận trong việc quản lý, triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án kiên cố hoá trường lớp học và nhà công vụ giáo viên, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó cũng còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như chất lượng công trình kiên cố hoá trường lớp học, các công trình phụ trợ như khu vệ sinh, cấp thoát nước... chưa được quan tâm đúng mức; việc tổ chức dạy nghề ở một số lớp chất lượng còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của người học nghề và sử dụng lao động, một số nghề chưa phát huy được hiệu quả sau đào tạo, người lao động sau khi học nghề chưa duy trì được nghề lâu dài, thiết bị dạy nghề còn thiếu nên chưa đáp ứng được yêu cầu công nghệ tiên tiến, đội ngũ giáo viên chưa đảm bảo cơ cấu, thiếu giáo viên đạt chuẩn vì vậy chưa đảm bảo phục vụ cho công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn.

Thay mặt Đoàn công tác, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị lãnh đạo UBND huyện Bá Thước nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các đại biểu, phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại hạn chế, nâng cao vai trò nhận thức của các cấp, các ngành về mục tiêu của Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm đáp ứng nhu cầu về điều kiện cơ sở vật chất trường học, tiếp tục củng cố và phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương. Đối với chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện cần tuyên truyền cho mọi người dân đều nắm được các nội dung hỗ trợ từ Đề án đào tạo nghề theo quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cần sử dụng nguồn vốn đầu tư có hiệu quả theo hướng tích cực, rà soát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và nhu cầu sử dụng lao động của các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhằm nâng cao chất lượng lao động, ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động trên địa bàn huyện./ .

Lê Thu Hà


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình chọn
Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
542 người đã bình chọn
Thống kê truy cập
Thống kê: 4.206.107
Trong năm: 1.361.419
Trong tháng: 132.789
Trong tuần: 26.632
Trong ngày: 616
Online: 96