Ngày 5 tháng 8 năm 2013, Ban pháp chế HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát công tác quản lý, sử dụng đất đai tại Ban quản lý rừng phòng hộ Sim. Đồng chí Trần Quang Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban pháp chế HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc. Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo Ban Dân tộc HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông Thôn, Thanh tra tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban pháp chế HĐND, Ủy ban nhân dân huyện Như Thanh, Chủ tịch HĐND và UBND các xã Mậu Lâm, Phượng Nghi, Xuân Du, xã Cán Khê, Xuân Thọ và Thượng Ninh.
Ban quản lý rừng phòng hộ Sim được
thành lập theo Quyết định số 3221/ QĐ-UBND ngày 07 tháng 11 năm 2006 của Chủ
tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa trên cơ sở chuyển từ Lâm trường Sim thành
Ban quản lý rừng phòng hộ. Hiện nay tổng diện tích đất đơn vị đang quản lý sử
dụng trên 5.250 ha, trong đó đất lâm nghiệp hiện trên 5.211 ha, đất phi nông
nghiệp 38,49 ha.
Với
nhiệm vụ được giao là bảo vệ và phát triển rừng, trong những năm qua, Ban quản
lý rừng phòng hộ Sim đã thực hiện bảo vệ và phát triển rừng, sử dụng rừng và đất
rừng đúng mục đích, đúng quy hoạch của cấp có thẩm quyền phê duyệt. Công tác
giao khoán đất lâm nghiệp đã được thực hiện tương đối tốt, đảm bảo hài hòa
nghĩa vụ, quyền lợi và trách nhiệm của bên giao khoán và nhận khoán, tạo việc
làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo, giữ gìn an
ninh quốc phòng.
Là
đơn vị có địa bàn quản lý rộng nằm trên địa bàn của 6 xã: Mậu Lâm, Phượng Nghi,
Xuân Du, Cán Khê, Xuân Thọ ( huyện Như Thanh) và xã Thượng Ninh ( huyện Như
Xuân), giao thông không thuận lợi, thông tin liên lạc còn hạn chế, nên công tác
chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của đơn vịgặp nhiều khó khăn. Trong quá trình giao
khoán vẫn còn 83,9 ha thuộc quy hoạch rừng sản xuất khu vực giáp ranh giữa 3
huyện (xã Xuân Thọ huyện Như Thanh, xã Bình Sơn huyện Triệu Sơn, xã Luận Thành
huyện Thường Xuân) chưa bàn giao được do các hộ dân lấn chiếm, xâm cư, canh tác
trái phép. Hiện tượng một số hộ nhận khoán tự san ủi đất, phát rừng xây nhà ở
trái phép vẫn còn xảy ra.
Sau
khi nghe ý kiến thảo luận của các thành viên Ban pháp chế HĐND tỉnh, các ngành
có liên quan, đồng chí Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị trong thời gian
tới Ban quản lý rừng phòng hộ Sim tiến hành rà soát lại quỹ đất, quản lý sử
dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới, đúng quy hoạch. Rà soát lại các hợp
đồng đã ký đối với các đối tượng nhận khoán. Tuyên truyền cho các hộ nhận khoán
sử dụng đất đúng mục đích theo hợp đồng khoán, không chuyển nhượng trái phép
diện tích đất nhận khoán đồng thời thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của người nhận
khoán. Ủy ban nhân dân huyện Như Thanh phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ
Sim, các đơn vị có liên quan giải quyết dứt điểm diện tích do dân nhập cư tại
xã Luận Thành huyện Thường Xuân và xã Bình Sơn huyện Triệu Sơn để UBND xã Xuân
Thọ và xã Cán Khê thực hiện việc quản lý hành chính và Ban quản lý rừng phòng
hộ Sim giao khoán và sử dụng đất trên diện tích được Nhà nước giao. Ủy ban nhân
dân các xã có diện tích đất của Ban quản lý rừng tăng cường trách nhiệm, thường
xuyên phối hợp Ban quản lý rừng và các chủ rừng để quản lý bảo vệ, phòng cháy,
chữa cháy, đặc biệt là trong tổ chức sản xuất, mà trong đó người dân của xã
đang thực hiện việc hợp đồng nhận khoán quản lý, bảo vệ và sản xuất.
Đồng chí Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh cũng đã ghi nhận những kiến nghị
của Ban quản lý rừng phòng hộ Sim để kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết theo luật
định./.
Lê Thị Hương