Tham luận của Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa do PHÓ CHỦ TỊCH HĐND TỈNH LÊ THỊ THÌN trình bày tại Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh Bắc Trung bộ lần thứ Bảy

Giám sát là một trong những chức năng cơ bản của HĐND, nhằm bảo đảm cho Hiến pháp, luật, các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của HĐND cùng cấp được triển khai, thực hiện đúng, đầy đủ và nghiêm túc. Nguyên lý chung là vậy, nhưng để bảo đảm hoạt động giám sát chất lượng và hiệu quả, việc lựa chọn nội dung giám sát, phân công, điều hòa phối hợp thực hiện, phương pháp tiến hành và sự quyết liệt trong việc theo dõi, đôn đốc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, sau chất vấn là rất quan trọng. 

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, ngoài hoạt động giám sát thường xuyên, Thường trực và các ban HĐND tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành 26 cuộc giám sát chuyên đề trên những lĩnh vực quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn đến sự ổn định và phát triển KT-XH, QP-AN của tỉnh, được cử tri và nhân dân trong tỉnh quan tâm. Để tiến hành các cuộc giám sát, Thường trực và các ban HĐND tỉnh đều xây dựng kế hoạch, đề cương báo cáo, biểu mẫu thống kê, gửi các đơn vị chịu sự giám sát để chuẩn bị báo cáo và nghiên cứu báo cáo trước khi tiến hành giám sát thực tế tại cơ quan, đơn vị. Kết thúc cuộc giám sát có báo cáo kết quả giám sát, nêu rõ kiến nghị từng nội dung cụ thể đối với UBND tỉnh, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị.

Trước và trong thời gian diễn ra kỳ họp thường lệ, Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo Văn phòng tham mưu phục vụ phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thực hiện các tin, bài, phóng sự, phỏng vấn về những nội dung liên quan đến báo cáo kết quả giám sát và những vấn đề HĐND tỉnh sẽ chất vấn tại kỳ họp, phát sóng vào chương trình thời sự tối để cử tri và nhân dân theo dõi.

Tại mỗi kỳ họp, HĐND tỉnh nghe Thường trực, các ban HĐND tỉnh đọc báo cáo kết quả giám sát chuyên đề và tiến hành thảo luận tại hội trường. Căn cứ vào tình hình thực tế, HĐND tỉnh đã ra nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề đối với một số vấn đề lớn, có tính bức xúc. Kết thúc phiên thảo luận, hoặc trong phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh đều yêu cầu UBND tỉnh, giám đốc các sở, ngành tiếp thu, thực hiện các kiến nghị giám sát của HĐND. Tất cả các phiên họp đều được truyền thanh, truyền hình trực tiếp trên sóng phát thanh, truyền hình để cử tri và nhân dân theo dõi.

Cũng tại kỳ họp, HĐND tỉnh đều tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn về những vấn đề mà đại biểu HĐND tỉnh, cử tri và nhân dân trong tỉnh quan tâm. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh đã tiến hành chất vấn Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc các sở, thủ trưởng ngành về 17 vấn đề nóng được dư luận đặc biệt quan tâm. Kết thúc mỗi nội dung chất vấn, Chủ tịch HĐND tỉnh thay mặt phát biểu, khái quát nội dung đã chất vấn; nêu những nội dung đã được trả lời thỏa đáng đồng thời chỉ rõ những vấn đề còn tồn tại gắn với trách nhiệm của từng cá nhân, cơ quan, đơn vị; yêu cầu UBND tỉnh, giám đốc các sở, thủ trưởng ngành, cơ quan, đơn vị tiếp thu thực hiện nghiêm túc và báo cáo kết quả với HĐND tại kỳ họp sau.


Nguồn: vdcgroud.net


Lựa chọn nội dung phù hợp, tiến hành giám sát, phát hiện, kiến nghị “đúng” và “trúng”, có tính khả thi nên hầu hết các kiến nghị sau giám sát và các vấn đề đưa ra chất vấn đã được UBND tỉnh, các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố đã tiếp thu, triển khai thực hiện đạt kết quả tốt. Thực tế cho thấy, tất cả những nội dung, những vấn đề, lĩnh vực được HĐND tỉnh giám sát đều có những chuyển biến tích cực; nhiều nội dung  được khắc phục nhanh, chuyển biến rõ nét, như: CCHC được tập trung đẩy mạnh và đạt kết quả; chỉ số năng lực cạnh tranh và hội nhập của tỉnh năm 2013 tăng vượt bậc; thu hút đầu tư tăng cao; các doanh nghiệp từng bước được tháo gỡ khó khăn; nợ XDCB của các đơn vị giảm; tài nguyên, đất đai, khoáng sản được quản lý chặt chẽ hơn; ô nhiễm môi trường tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh được chỉ đạo khắc phục triệt để; liên kết đào tạo được chấn chỉnh, đi vào nền nếp; việc giải quyết giáo viên dôi dư được thực hiện theo đúng lộ trình, kế hoạch; tình trạng lộn xộn, ồ ạt trong hợp đồng, tuyển dụng giáo viên trước đây đã được ngăn chặn hiệu quả. Trong lĩnh vực ANTT, nhiều băng nhóm tội phạm, nhiều tụ điểm ma túy đã được triệt phá. Trong lĩnh vực xét xử, án treo (do xử nhẹ) giảm...

Tuy nhiên, hoạt động giám sát, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, sau chất vấn vẫn còn những khó khăn, hạn chế do quy định về hoạt động giám sát của HĐND còn chung chung, nội hàm giám sát và các biện pháp bảo đảm hiệu lực giám sát chưa rõ; tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách còn ít, đại biểu kiêm nhiệm nhiều, trong đó tỷ lệ hoạt động trong lĩnh vực quản lý nhà nước cao. Tính đến nay, HĐND tỉnh có 92 đại biểu, thì có tới 42 đại biểu là thành viên UBND tỉnh, Giám đốc, Phó giám đốc sở, ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã, thuận lợi là thực hiện được “3 trong 1”, vừa là người tham gia quyết định chủ trương, chính sách, vừa là người giám sát, vừa là người triển khai thực hiện, bên cạnh đó có những khó khăn và hạn chế do “vừa đá bóng vừa thổi còi”; nhiều đại biểu còn nể nang trong hoạt động giám sát và chất vấn; tâm lý của người chịu sự giám sát, chất vấn có lúc, có người còn nặng nề...

Để các kiến nghị sau giám sát, sau chất vấn được cơ quan chức năng tiếp thu, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, Thường trực HĐND tỉnh đã phân công, điều hòa phối hợp hoạt động đối với các ban, Tổ đại biểu HĐND, tập trung làm tốt công tác theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, sau chất vấn. Cụ thể, các ban HĐND tỉnh có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị giám sát của ban; Thường trực HĐND tỉnh có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị giám sát của HĐND tỉnh và những vấn đề đã chất vấn tại các kỳ họp trước; Tổ đại biểu HĐND tỉnh có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc thực hiện những kiến nghị sau giám sát, sau chất vấn đã được HĐND tỉnh thảo luận và quyết nghị, trước hết là những vấn đề thuộc địa bàn của Tổ đại biểu. Để thực hiện tốt công tác này, Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo Văn phòng tham mưu mở sổ theo dõi, thường xuyên cập nhật thông tin liên quan đến tình hình, kết quả thực hiện; hệ thống lại những vấn đề còn tồn tại sau giám sát, sau chất vấn; tham mưu cho Thường trực và các Ban của HĐND tỉnh giám sát, đôn đốc trực tiếp tại một số cơ quan, đơn vị hoặc gửi công văn yêu cầu cơ quan chức năng thực hiện và báo cáo kết quả với HĐND tỉnh. Trên cơ sở đó, Thường trực và các ban HĐND tỉnh tổng hợp kết quả báo cáo và đưa ra thảo luận, chất vấn tại kỳ họp cuối năm; đồng thời yêu cầu các cơ quan chịu sự giám báo cáo bằng văn bản về kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát, sau chất vấn của HĐND tỉnh.

Từ những việc làm cụ thể và kết quả đạt được trong theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, sau chất vấn hơn 3 năm qua, Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa rút ra một số kinh nghiệm sau

Trước tiên, cần đề cao vai trò, trách nhiệm của đại biểu HĐND tỉnh, trong đó vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, của đại biểu chuyên trách, của thành viên các Ban, Tổ trưởng các Tổ đại biểu HĐND tỉnh là quan trọng.

 Hai là, các kiến nghị đề xuất trong báo cáo kết quả giám sát phải nêu rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, thời gian và yêu cầu cần phải đạt được, như vậy mới khả thi và dễ đôn đốc, theo dõi thực hiện.

Ba là, cần tăng cường kiểm tra, theo dõi, đôn đốc các đơn vị chịu sự giám sát và các tổ chức, cá nhân được chất vấn tại kỳ họp.

Bốn là, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh phải thường xuyên cập nhật thông tin liên quan đến việc thực hiện lời hứa; kiên trì, quyết liệt trong việc đôn đốc nhằm bảo đảm các kiến nghị sau giám sát, chất vấn được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc.​


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình chọn
Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
542 người đã bình chọn
Thống kê truy cập
Thống kê: 4.200.437
Trong năm: 1.355.841
Trong tháng: 139.352
Trong tuần: 30.510
Trong ngày: 4.534
Online: 102