Để phục vụ công tác thẩm tra báo cáo của UBND tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; tờ trình điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Ngày 24/12/2014 Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị để thông qua báo cáo kết quả thẩm tra; đồng chí Lê Thị Thìn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc; tham dự có thành viên các Ban của HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục thống kê, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh.
Tại hội nghị, Sở Kế
hoạch và Đầu tư đã báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 2014, kế hoạch phát
triển kinh tế - xã hội năm 2015; Tờ trình về điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch (việt
tắt là QH) tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020,
định hướng đến năm 2030.
Theo báo cáo của Sở
Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2014 ước đạt 11,6%, vượt mục
tiêu kế hoạch (11,5%) và cao hơn năm 2012 và 2013; cơ cấu các ngành kinh tế
trong GDP chuyển dịch đúng hướng: tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản chiếm
18,8% (giảm 0,9% so với cùng kỳ); công nghiệp – xây dựng chiếm 40,9% (tăng 0,9% so với cùng kỳ); dịch
vụ chiếm 40,3% (tương đương cùng kỳ); GDP bình quân đầu người ước đạt 1.365
USD, vượt mục tiêu kế hoạch (1.320 USD); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu
dịch vụ ước đạt 52.474 tỷ đồng (tăng 17,5% so với cùng kỳ); kim ngạch xuất khẩu
ước đạt 1,042 tỷ USD (vượt 4,3% kế hoạch, tăng 7% so với cùng kỳ); thu ngân
sách nhà nước (NSNN) vượt dự toán và tăng cao so với cùng kỳ, ước đạt 7.526 tỷ
đồng (vượt 34,4% dự toán, tăng 16,7% so với cùng kỳ); huy động vốn đầu tư phát
triển ước đạt 85.530 tỷ đồng, vượt mục tiêu kế hoạch và tăng cao so với cùng
kỳ, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế.... Hoạt động kinh tế đối ngoại, công
tác xúc tiến đầu tư được quan tâm, quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế, nhà
tài trợ được củng cố và mở rộng. Lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm chỉ đạo
và có chuyển biến tiến bộ, các vấn đề xã hội bức xúc từng bước được giải quyết,
các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Tình hình chính
trị ổn định, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, cải cách
hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được quan tâm chỉ đạo thực
hiện.... Bên cạnh những kết quả đạt được,
báo cáo cũng đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém, bao gồm cả những hạn chế yếu kém
kéo dài trong nhiều năm nhưng chậm được khắc phục và những hạn chế yếu kém mới
phát sinh.
Từ những kết quả đạt được, trên cơ sở dự báo tình hình
năm 2015 có những thuận lợi, khó khăn và thách thức, báo cáo đã nêu cụ thể các
mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2015.
Về việc đề nghị điều chỉnh, bổ sung QH tổng thể phát triển kinh tế - xã
hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, UBND tỉnh đã căn cứ vào
kết quả thực hiện QH tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến
năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 114/2009/QĐ-TTg ngày 28/9/2009, đã đến thời hạn điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội theo quy định (định kỳ 5 năm một lần). Mặt khác, bối cảnh thế giới,
trong nước và trong tỉnh đã có nhiều thay đổi, Chiến lược phát triển kinh tế -
xã hội thời kỳ 2011-2020 đã được xây dựng và thông qua tại Đại hội Đảng toàn
quốc lần thứ XI; nhiều chủ trương mới về phát triển kinh tế - xã hội đất nước
đã được Chính phủ sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới. Ở trong tỉnh, cảng hàng không Thọ Xuân đi vào hoạt
động năm 2013; dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn được khởi công xây dựng năm 2014 và
nhiều công trình hạ tầng trọng điểm được triển khai xây dựng là những yếu tố tạo điều kiện
thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới. Vì vậy,
cần thiết phải điều chỉnh, bổ sung QH tổng
thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Các ý kiến thảo luận tại hội nghị đều cho rằng: báo cáo của UBND tỉnh
về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014, kế hoạch phát triển năm 2015 được chuẩn
bị chu đáo, phản ánh đầy đủ kết quả đạt được, thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế
yếu kém của từng lĩnh vực, ngành, đơn vị, đặc biệt là các tồn tại, hạn chế kéo
dài nhiều năm chậm khắc phục. Các đại biểu cũng cho rằng việc HĐND tỉnh thông
qua Nghị quyết về điều chỉnh, bổ sung QH tổng thể phát triển kinh tế xã hội của
tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 là cần thiết, phù hợp với quy định
của pháp luật hiện hành.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Lê Thị Thìn, Ủy viên Ban
Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao những ý kiến đóng góp
của các đại biểu, góp phần làm rõ và bổ sung thêm một số nội dung cho các báo cáo,
tờ trình. Đồng chí đề nghị các cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo, tờ trình tiếp
thu đầy đủ các ý kiến này, xem xét bổ sung, hoàn chỉnh báo cáo trước khi trình
HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 12 sắp tới./.
Nguyễn Thị Huệ