Ngày 03 tháng 12 năm 2014, tại trường Chính trị tỉnh, đồng chí Lê Thị Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh đã có buổi trao đổi với lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức và kỹ năng, nghiệp vụ cho bí thư Đảng ủy, chủ tịch HĐND, phó chủ tịch UBND cấp xã các huyện miền núi về chuyên đề: “Tác động của kinh tế thế giới đối với phát triển kinh tế- xã hội của Việt Nam, của tỉnh Thanh Hóa; vấn đề đặt ra đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của các huyện miền núi Thanh Hóa”.
Tại buổi trao đổi, đồng chí
Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông tin một số nét lớn về tình hình
kinh tế thế giới, trong nước; khẳng định
bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2014, bên cạnh những
thuận lợi, tỉnh ta cũng gặp phải khó khăn do kinh tế thế giới phục hồi chậm; ở
trong nước, sản xuất kinh doanh còn khó khăn, sức mua của nền kinh tế chưa được
thiện, dịch bệnh xảy ra ở một số địa phương đã ảnh hưởng đến sản xuất kinh
doanh và đời sống của nhân dân. Song, được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ
trợ của Trung ương, sự nỗ lực, cố gắng của các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn
thể, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, kinh tế - xã
hội tỉnh ta có chuyển biến tiến bộ, quốc phòng - an ninh được đảm bảo, công tác
xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường. Tốc độ
tăng trưởng kinh tế ước đạt 11,6%, vượt kế hoạch (11,5%) và cao hơn 2 năm
trước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy
sản chiếm 18,8%, giảm 0,9% so với cùng kỳ; công nghiệp - xây dựng chiếm 40,9%,
tăng 0,9%; dịch vụ chiếm 40,3%, tương đương cùng kỳ. GDP bình quân đầu người
ước đạt 1.365 USD. Các lĩnh vực văn hóa- xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ, an
ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Năm 2015 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm diễn ra đại hội Đảng các
cấp, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và nhiều sự kiện quan trọng của tỉnh.
Dự báo kinh tế thế giới sẽ phục hồi; kinh tế trong nước tăng trưởng cao hơn năm
2014, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, sức mua của nền kinh tế được cải
thiện; ở trong tỉnh, môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng hấp dẫn; nhiều dự
án lớn đang được triển khai sẽ là những nhân tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng
và chuyển dịch kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn,
thách thức do kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro; ở trong nước, một số hiệp
định thương mại có hiệu lực từ năm 2015 sẽ tác động đến thị trường, tranh chấp
chủ quyền trên Biển Đông diễn biến phức tạp và có tác động xấu đến phát triển
kinh tế; trong tỉnh, sức cạnh tranh của doanh nghiệp còn thấp, chất lượng nguồn
nhân lực còn hạn chế, thiên tai, dịch bệnh diễn biến khó lường… sẽ là những yếu
tố ảnh hưởng bất lợi đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ta.
Đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, tình hình kinh tế thế giới và
trong nước tác động sâu sắc đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
ta nói chung và các huyện miền núi nói riêng. Tận dụng thời cơ, nỗ lực vượt qua
khó khăn, thách thức với tinh thần năng động sáng tạo thì chúng ta mới có thể thực
hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế- xã hội mà đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17
đề ra. Đối với các huyện miền núi, tinh thần vượt khó, chiến thắng tâm lý chông
trờ ỷ lại càng có ý nghĩa quan trọng trong công tác giảm nghèo nhanh và bền
vững, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa miền núi và miền xuôi.
Tại buổi trao đổi, nhiều ý kiến đã thẳng thắn nêu một số khó khăn, bất cập
về một số cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh hiện nay, kiến nghị HĐND
tỉnh quan tâm giúp đỡ. Đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chia sẻ với những khó
khăn, vướng mắc từ cơ sở; ghi nhận các kiến nghị, đồng thời đề nghị các học
viên trên cương vị công tác của mình tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm để
hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ được giao.
Lê Như Tú