Ngày 20/11/2014, Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh làm việc với Sở Thông tin và Truyền Thông để nghe báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của ngành năm 2014; kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo tỉnh Thanh Hóa. Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc.

vhxh_21_11_2014.jpg

Trong những năm qua, tập thể cán bộ công chức, viên chức Sở Thông tin và Truyền thông đã  thường xuyên bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Bộ Thông tin và Truyền thông để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được giao.

Tính đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có 635/637 xã có điểm phục vụ bưu chính - viễn thông với 660 điểm phục vụ; 27/27 trung tâm huyện có tuyến đương thư cấp II chuyên ngành đến trong ngày; 591/637 xã có báo đọc trong ngày xuất bản. Trong năm 2014 phát hành báo chí ước đạt 19 triệu tờ/cuốn; phát triển mới 600.000 thuê bao điện thoại, nâng tổng số thuê bao trên toàn mạng đạt 2.750.000 thuê bao, đạt mật độ 78,62 máy/100 dân; số thuê bao Internet trên toàn mạng ước đạt 500.000 thuê bao, đạt mật độ 14,29 thuê bao/100 dân, doanh thu các dịch vụ viễn thông, Internet ước đạt 2.680 tỷ đồng. Hệ thống phát sóng phát thanh - truyền hình đã bao phủ hầu khắp địa bàn trong tỉnh, với 617/637 xã có đài truyền thanh cơ sở. Hạ tầng viễn thông, Internet được đầu tư cả về số lượng và chất lượng, cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhân dân và phục vụ công tác lãnh đạo, điều hành củacấp uỷ, chính quyền địa phương.

Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về việc đưa thông tin về cơ sở đã được Chính phủ triển khai thí điểm từ năm 2011. Sau 3 năm triển khai thực hiện chương trình, đã đào tạo được 400 lượt học viên của 196 xã, thị trấn thuộc 11 huyện miền núi, đối tượng là cán bộ phụ trách văn hóa – xã hội, phụ trách trạm truyền thanh cấp xã. Trong giai đoạn 2011-2014, Tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận dự án của chương trình bao gồm  04 máy phát hình công suất  500W và 02 máy phát thanh FM 500W cho đài truyền thanh và truyền hình của 03 huyện; tiếp nhận và đầu tư xây dựng mới 40 hệ thống đài truyền thanh không dây cho 40 xã; 11 hệ thống nghe – xem cộng đồng cho các nhà văn hóa thôn; 01 hệ thống âm thanh, ánh sáng phục vụ cho công tác tuyên truyền lưu động; phát sóng 10 phóng sự; tiếp nhận và lựa chọn hơn 240 chương trình phát thanh, truyền hình  phù hợp để phát sóng phục vụ nhân dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; tiếp nhận, cung cấp các ấn phẩm truyền thông, các xuất bản phẩm  của bộ Thông tin và Truyền thông cho các điểm Bưu điện - Văn hóa xã phục vụ nhân dân khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân góp phần đảm bảo sự ổn định chính trị, quốc phòng – an ninh.

Về công tác thanh tra, ngành đã thực hiện 20 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 118 tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực bưu chính - viễn thông, xuất bản, công nghệ thông tin… đã xử phạt hành chính 12 trường hợp với số tiền trên 27 triệu đồng.     

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông đã kiến nghị, đề xuất với tỉnh tiếp tục cấp kinh phí sự nghiệp để đầu tư nâng cấp hệ thống truyền thanh cơ sở; có chính sách hỗ trợ Bưu điện tỉnh thực hiện việc chuyển thư, báo trong ngày; chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt quy chế phát ngôn cho báo chí…

Thay mặt Đoàn công tác, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh đã đánh giá cao những cố gắng nỗ lực của đơn vị sau 9 năm thành lập. Đồng thời nhấn mạnh đội ngũ cán bộ, nhân viên của Sở đã từng bước khắc phục khó khăn thực hiện tốt nhiệm vụ, công tác quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông được coi trọng.

Hệ thống đài phát thanh, truyền hình cấp huyện và mạng lưới truyền thanh cơ sở được mở rộng, góp phần quan trọng vào việc thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của ngành còn có hạn chế như: hạ tầng thông tin trên địa bàn còn thiếu, chất lượng chưa cao; ứng dụng công nghệ thông tin chưa đồng đều; công tác quản lý nhà nước về viễn thông còn nhiều bất cập; hệ thống truyền thanh cơ sở hiệu quả hoạt động còn thấp, thiết bị xuống cấp.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu đề ra, đồng chí Đỗ Trọng Hưng yêu cầu trong thời gian tới ngành cần bám sát vào mục tiêu, nhiệm vụ được giao; tập trung xây dựng, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch ngành, phù hợp với qui hoạch chung của tỉnh về lĩnh vực thông tin - truyền thông. Rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, thiết bị thông tin, truyền thông, cũng như chất lượng đội ngũ nhân viên vận hành cơ sở để có bổ sung, thay thế hợp lý. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao. Tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực báo chí, xuất bản, quản lý mạng thông tin viễn thông, intenet. Tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để vừa thực hiện tốt hơn công tác quản lý nhà nước của ngành, vừa lồng ghép, huy động thêm nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống truyền thanh cơ sở.

Đối với một số kiến nghị, đề xuất của Sở, Ban Văn hóa  - Xã hội HĐND tỉnh ghi nhận, nghiên cứu trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định.

​Lê Như Hoa


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình chọn
Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
542 người đã bình chọn
Thống kê truy cập
Thống kê: 4.196.652
Trong năm: 1.355.841
Trong tháng: 139.352
Trong tuần: 30.510
Trong ngày: 754
Online: 68