Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh khóa XVI; Ngày 13 tháng 11 năm 2014, Ban Dân tộc HĐND tỉnh tiến hành giám sát kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng mô hình thuộc nguồn vốn sự nghiệp theo Nghị quyết 30a và Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn 11 huyện miền núi, tại Sở nông nghiệp & Phát triển nông thôn. Ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc.
Tại
buổi làm việc, lãnh đạo Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo kết quả thực
hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng mô hình thuộc nguồn
vốn sự nghiệp theo Nghị quyết 30a và Chương trình xây dựng nông thôn mới ở 11
huyện miền núi năm 2014.
Theo báo cáo, năm 2014, tổng dự toán
kinh phí sự nghiệp thuộc nguồn vốn Chương trình 30a là 75.166 triệu đồng, trong
đó phân bổ cho nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất xây dựng mô hình là 36.080
triệu đồng. Với nguồn kinh phí được giao các huyện đã xây dựng kế hoạch triển
khai thực hiện phù hợp với điều kiện và nhu cầu của người dân cụ thể như sau:
- Hỗ trợ mua giống, vật tư phân bón
chuyển đổi cây trồng là 18.028 triệu đồng với 29.287 hộ tham gia thụ hưởng.
- Hỗ trợ chuyển đổi giống vật nuôi là
5.508,741 triệu đồng, với 1.920 hộ được thụ hưởng.
- Hỗ trợ xây dựng mô hình là
9.822,839 triệu đồng để xây dựng 34 mô hình, trong đó có 15 mô hình trồng trọt
và 19 mô hình chăn nuôi, tổng số 3038 hộ được thụ hưởng.
Bên cạnh việc triển khai thực hiện
nguồn vốn theo Chương trình 30a, nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất theo
Chương trình xây dựng nông thôn mới cũng được triển khai trên địa bàn các huyện
miền núi trong tỉnh.
Ngoài ra, trong năm 2014 UBND tỉnh phân
bổ cho 11 huyện miền núi là 5.797 triệu đồng để thực hiện dự án hỗ trợ Phát
triển sản xuất và ngành nghề nông thôn từ nguồn kinh phí sự nghiệp thuộc Chương
trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở nguồn kinh phí được giao, các
huyện đã lựa chọn và tổ chức thực hiện 77 mô hình Phát triển sản xuất và ngành
nghề nông thôn, (có 14 mô hình trồng trọt, 39 mô hình chăn nuôi, 09 mô hình
thủy sản, 14 mô hình cơ giới hóa, 01 mô hình ngành nghề nông thôn) với gần 700
tổ chức, cá nhân tham gia.
Nhìn chung về công tác phối hợp, hướng dẫn, chuẩn
bị lựa chọn mô hình đều thực hiện đúng quy trình, đảm bảo công khai, dân chủ.
Nhờ sự quan tâm của Nhà nước đã giúp
người nghèo từng bước chủ động vươn lên thoát nghèo, đời sống vật chất tinh
thần của người dân được nâng lên; phương
thức canh tác được thay đổi; cây con có giá trị, năng xuất cao đã thay thế cho
giống cây, con năng xuất thấp; bộ mặt nông thôn có sự thay đổi tích cực. Nhiều
mô hình mang lại kinh tế cao, hướng tới môi trường sản xuất an toàn và bền
vững, nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường sinh thái vùng nông thôn miền núi.
Tuy nhiên, qua ý kiến trao đổi, thảo luận Đoàn
giám sát nhận thấy vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục đó là: Về lựa chọn mô
hình một số địa phương lúng túng, còn xây dựng kế hoạch hỗ trợ từ trên xuống,
lựa chọn mô hình còn chạy theo thông tin quảng cáo sản phẩm của các đơn vị sản
xuất cung ứng đầu vào, chưa xuất phát từ nhu cầu nên mô hình không phát huy
hiệu quả. Công tác rà soát và tổ chức thẩm định các dự án hỗ trợ Phát triển sản
xuất và ngành nghề nông thôn ở một số huyện chưa được chú trọng; cơ chế phân bổ
còn mang tính bình quân, do đó một số mô hình được xây dựng qui mô nhỏ lẻ, chưa
tập trung; còn hỗ trợ các mô hình sẵn có nên chưa có nhiều mô hình mới; một số
mô hình, định mức hỗ trợ chưa đúng với qui định. Bên cạnh đó một số mô hình
hiện tại đang cho hiệu quả kinh tế cao, nhưng nếu không có qui hoạch phù hợp,
gắn với thị trường tiêu thụ sẽ dẫn đến cung vượt cầu.
Phát
biểu tại buổi làm việc Ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng
Ban Dân tộc HĐND tỉnh ghi nhận những kết quả mà Sở nông nghiệp và Phát triển
nông thôn đã tham mưu cho UBND tỉnh và chủ động theo dõi, đôn đốc các huyện
trong việc tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao. Đồng thời nhấn
mạnh đây là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về chăm lo cho đời
sống của đồng bào các dân tộc miền núi. Đề nghị Sở nông nghiệp & Phát triển
nông thôn cần nêu cao vai trò, trách nhiệm trong việc hướng dẫn, kiểm tra, giám
sát cơ sở, khắc phục những tồn tại, hạn chế để thực hiện tốt mục tiêu chương
trình đề ra. Những kiến nghị của Sở, Ban Dân tộc HĐND sẽ xem xét, tổng hợp báo
cáo HĐND tỉnh./.
Doãn Ngọc Hài