Theo kế hoạch số 205/KH-HĐND ngày 22/7/2014 về giám sát tiến độ thực hiện một số dự án XDCB, ngày 04/11/2014 Ban Kinh tế và Ngân sách đã làm việc với Ban Dân tộc tỉnh về các dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), các thôn, bản ĐBKK thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (Chương trình 135). Đồng chí Đỗ Thanh - Phó trưởng Ban làm trưởng đoàn; tham gia đoàn công tác có đồng chí Lê Nhân Đồng – Phó trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh và Văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

KTNS_6)11_2014.jpg

Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã ĐBKK vùng dân tộc thiểu số và miền núi là một trong các chương trình xóa đói giảm nghèo được quyết định triển khai từ năm 1998 theo Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 đến nay đã hoàn thành giai đoạn I (1997-2006), giai đoạn I (từ năm 2006-2011), Chính phủ đã phê duyệt thực hiện giai đoạn III (2012-2015) tại Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 08/10/2012.

Theo báo cáo của Ban Dân tộc, giai đoạn III tỉnh Thanh Hóa có 17 huyện với 114 xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) khu vực III và 197 thôn, bản ĐBKK thuộc xã khu vực II được hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng theo Chương trình 135. Năm 2014, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 318 công trình (CT) được hỗ trợ đầu tư xây dựng mới với tổng số vốn đã giao là 150.800 triệu đồng. Trong đó, vốn đầu tư cho 114 xã ĐBKK khu vực III là 111.400 triệu đồng (bình quân 977 triệu đồng/xã); vốn đầu tư cho 197 thôn, bản ĐBKK khu vực II là 39.400 triệu đồng (bình quân 200 triệu đồng/thôn, bản). Ngày 17/3/2014, UBND tỉnh giao kế hoạch vốn đợt I là 129.400 triệu đồng; ngày 21/10/2014, UBND tỉnh giao kế hoạch vốn đợt II là 21.400 triệu đồng.

Trong tổng số 318 CT được hỗ trợ đầu tư theo Chương trình 135, có: 228 CT giao thông (chiếm 71,7%), 35 CT thủy lợi (chiếm 11%), 29 CT nhà văn hóa (chiếm 9%), 6 CT trạm Y tế (chiếm 1,9), 2 CT nước sinh hoạt (chiếm 0,63%), 17 CT lớp tiểu học, mẫu giáo, nhà trẻ, nhà giáo viên (chiếm 5,3%) và 01 CT điện.

 Hiện tại, cả 17 huyện đang thực hiện đầu tư các công trình thuộc Chương trình 135, kết quả: có 201/318 CT hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng (đạt 63,2%); có 111/318 CT đang thi công tiến độ đạt 20% - 90% (chiếm 34,9%); còn 06 CT chưa khởi công (huyện Quan Hóa 01 CT và huyện Quan Sơn 05 CT). Giải ngân vốn giao đếnngày 05/10/2014 là 57.176 triệu đồng (đạt 38% kế hoạch vốn).

Việc triển khai thực hiện các công trình thuộc Chương trình 135 năm 2014 trên địa bàn một số huyện còn chậm, còn gặp một số khó khăn sau: theo Quyết định số 551/QĐ-TTg ngày 04/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã ĐBKK, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn ĐBKK, thì nguồn vốn hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng tăng 1,5 lần so với năm 2013 (tức là 1.500 triệu đồng/xã và 300 triệu đồng/thôn, bản ĐBKK). Tuy nhiên, đến nay Trung ương mới phân bổ cho tỉnh vốn đầu tư phát triển là 150.800/230.100 triệu đồng, bằng 65,53% so với định mức (mức hỗ trợ bình quân mới đạt 977 triệu đồng/xã và 200 triệu đồng/thôn, bản). Diện đầu tư tăng nhưng nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương chưa được tăng, trong khi nguồn lực của địa phương thì có hạn; Việc giao vốn năm 2014 cho Chương trình còn chậm, ngày 17/3/2014 UBND tỉnh có Quyết định giao vốn đầu tư đợt I, đến ngày 21/10/2014 mới giao bổ sung đợt II; Quy trình đầu tư xây dựng các công trình của Chương trình 135 theo Hướng dẫn số 05/2013/TTLT-UBDT-NNPTNT-KHĐT-TC-XD ngày 18/11/2013 của liên Bộ, tuy nhiên vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình của các Bộ, ngành Trung ương nên quá trình thực hiện còn gặp vướng mắc. Việc giải ngân vốn đầu tư chậm do Bộ Tài chính có Công văn số 5167/BTC-ĐT ngày 22/4/2014 hướng dẫn thanh toán vốn đầu tư từ kế hoạch năm 2014, các dự án khởi công mới sử dụng NSNN và trái phiếu Chính phủ chỉ được thanh toán khi có quyết định phê duyệt đầu tư trước ngày 31/10 năm trước năm kế hoạch. Do đó, các công trình thuộc Chương trình 135 phải tạm ngừng giải ngân, đến ngày 21/7/2014 Bộ Tài chính mới có văn bản số 9955/BTC-ĐT cho phép giải ngân. Mặt khác, Nghị định số 207/2013/NĐ-CP ngày 11/12/2013 của Chính phủ quy định “việc tạm ứng vốn của bên nhận thầu phải nộp cho bên giao thầu bảo lãnh tạm ứng hợp đồng với giá trị tương đương khoản tiền tạm ứng”, cũng là yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ thi công của các nhà thầu. Về phía địa phương, đã lúng túng trong việc lựa chọn công trình cũng như xác định quy mô đầu tư, bên cạnh đó việc chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền địa phương cũng chưa quyết liệt nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ chung của tỉnh.

   Sau khi nghe ý kiến tham gia của đồng chí Lê Nhân Đồng – Phó trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Đỗ Thanh – Trưởng đoàn phát biểu ý kiến ghi nhận công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình 135 tại Thanh Hóa của Ban Dân tộc (cơ quan thường trực Chương trình 135 của tỉnh), đồng chí đánh giá cao hiệu quả hỗ trợ đầu tư từ Chương trình 135 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua, Chương trình đã có tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường đáng kể cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã, thôn, bản ĐBKK (làm đường dân sinh trong thôn, bản; xây dựng kiên cố hóa công trình thủy lợi; đầu tư hệ thống điện hạ thế đến thôn, bản; xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt cho cộng đồng; xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, bản....), góp phần nâng cao đời sống nhân dân các xã, thôn, bản ĐBKK. Để Chương trình phát huy tốt hơn hiệu quả đầu tư, đồng chí đề nghị Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục và tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các huyện được thụ hưởng Chương trình đẩy nhanh tiến độ đầu tư, đảm bảo chất lượng công trình, giải ngân nhanh vốn đầu tư,.... để sớm đưa công trình được hỗ trợ đầu tư vào sử dụng một cách hiệu quả.

Nguyễn Thị Huệ - Phòng công tác hội đồng


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


Tin cùng chuyên mục
 Bình chọn
Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
542 người đã bình chọn
Thống kê truy cập
Thống kê: 4.197.128
Trong năm: 1.355.841
Trong tháng: 139.352
Trong tuần: 30.510
Trong ngày: 1.230
Online: 91