Để chuẩn bị nội dung kỳ họp thứ 11 Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVI, ngày 21 tháng 10 năm 2014, Ban Dân tộc HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện hợp phần Hỗ trợ phát triển sản xuất theo Nghị quyết 30a và Chương trình xây dựng nông thôn mới tại huyện Bá Thước. Ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh làm trưởng đoàn, cùng tham dự có đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân huyện Bá Thước.
Trước khi làm việc với UBND huyện, đoàn đi giám sát việc thực hiện hỗ trợ các mô hình khuyến nông, khuyến lâm trên địa bàn các xã: Ban Công, Thành Lâm, Thành Sơn.
Tại buổi làm việc, Uỷ ban nhân dân huyện Bá Thước báo cáo tình hình thực hiện các kiến nghị sau giám sát về hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất theo Nghị quyết 30a; Chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2010 – 2012, kết quả triển khai thực hiện năm 2013 – 2014.
Theo báo cáo, công tác chỉ đạo thực hiện chương trình, dự án của huyện đều căn cứ vào các văn bản hướng dẫn của cấp trên, việc hỗ trợ sản xuất, xây dựng các mô hình được phát huy dân chủ, lựa chọn từ cơ sở, phù hợp quy mô, hình thức ở từng địa phương.
Kết quả việc hỗ trợ phát triển sản xuất theo Nghị quyết 30a: Hỗ trợ chuyển đổi giống cây trồng năng xuất cao tổng số tiền 21,8 tỷ đồng, số hộ được thụ hưởng là 13.489 hộ.
Hỗ trợ kinh phí xây dựng các mô hình khuyến nông, lâm: Chăn nuôi thực hiện 08 mô hình; trồng trọt 10 mô hình, số hộ thụ hưởng gần 1500 hộ. Kinh phí hỗ trợ trên 3,8 tỷ đồng.
Hỗ trợ phát triển sản xuất theo Chương trình xây dựng nông thôn mới được 11 mô hình với 360 hộ tham gia thụ hưởng , kinh phí hỗ trợ trên 1,6 tỷ đồng.
Về kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát của Ban đến nay cơ bản đã được thực hiện: Như hỗ trợ trâu, bò cái sinh sản không còn tình trạng ghép 2 hộ mua một con; hỗ trợ giống, vật tư đều xuất phát từ nhu cầu của các hộ dân; lựa chọn mô hình xuất phát từ tiềm năng, thế mạnh của địa phương; lựa chọn đối tượng tham gia thực hiện mô hình một cách công khai, dân chủ. UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo các xã thường xuyên kiểm tra, theo dõi số trâu, bò được hỗ trợ đồng thời tổ chức đeo số tai cho từng con, phân công cán bộ khuyến nông thôn, bản mở sổ theo dõi quản lý sự biến động của đàn gia súc.
Sau khi nghe báo cáo, các thành viên trong Đoàn nêu lên một số ý kiến, đề nghị lãnh đạo huyện cần quan tâm chỉ đạo thực hiện như: Việc xây dựng mô hình phải xuất phát từ đề án giảm nghèo của huyện, việc tổng kết và nhân rộng các mô hình ra diện rộng cần được chú trọng. Số hộ nghèo tham gia thụ hưởng từ các chương trình chưa chiếm đa số, đội ngũ cán bộ khuyến nông viên cơ sở năng lực hạn chế, vai trò, trách nhiệm quản lý, điều hành chương trình, dự án ở cơ sở còn bất cập.
Thay mặt Đoàn giám sát Ông Nguyễn Văn Thành, trưởng Ban Dân vận tỉnh ủy, trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong thời gian qua, từ đó từng bước đời sống của nhân dân được nâng lên, công tác xóa đói giảm nghèo của huyện hàng năm giảm từ 6% trở lên.
Bên cạnh những kết quả đạt được Đoàn công tác đề nghị lãnh đạo huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện những ý kiến của thành viên trong đoàn nêu trên, việc thực hiện các mô hình phải theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện, công khai, dân chủ từ cơ sở, xây dựng mô hình phải phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu, trình độ canh tác, quan tâm đến đầu ra của sản phẩm, định hướng phát triển các mô hình theo quy mô trang trại. Các phòng chuyên môn của huyện cần nghiên cứu kỹ các văn bản của cấp trên, để tham mưu cho UBND huyện thực hiện hỗ trợ các mô hình đúng qui định của Nhà nước, không để tình trạng hỗ trợ vượt quá qui định như mô hình nuôi cá dốc tại xã Ban Công (hỗ trợ vượt quá 3 triệu đồng/hộ).
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của MTTQ các đoàn thể, thường xuyênkiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn cơ sở, chỉ đạo hoạt động đội ngũ khuyến nông viên thôn, bản, thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo ở địa phương./.
Doãn Ngọc Hài