Ngày 21 tháng 10 năm 2014, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát tại huyện Thạch Thành về: Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chương trình giải quyết việc làm trên địa bàn huyện từ năm 2011 đến nay; Việc thực hiện chế độ chính sách đối với giáo viên mầm non. Việc bố trí trường, lớp, học sinh và cán bộ quản lý, giáo viên và kết quả xây dựng Trường chuẩn Quốc gia trên địa bàn huyện. Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc; tham dự có đại diện lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo.
Trước khi làm
việc với UBND huyện Thạch Thành, đoàn công tác Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh
đã đến tham quan, tìm hiểu thực tế hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông
thôn tại Trường Trung cấp Nghề Thạch Thành, thăm mô hình trang trại của gia đình
ông Bùi Văn Nghĩa (xã Thành Long) là học viên đã tham gia lớp đào tạo nghề nông
nghiệp.
Theo báo cáo của UBND huyện, công tác đào tạo
nghề cho lao động nông thôn từ năm 2011 đến nay, huyện đã mở được 60 lớp đào
tạo nghề ngắn hạn và các lớp tập huấn cho 1.946 người với tổng kinh phí 1,7 tỷ
đồng. Thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút
các dự án đầu tư, huyện đã giải quyết việc làm cho gần 5000 lao động. Trong 4
năm huyện đã đưa 405 người tham gia xuất khẩu lao động; phối hợp với các doanh
nghiệp trong nước đưa được 4.669 lao động vào làm việc tại các công ty.
Việc thực hiện chế độ, chính sách
đối với giáo viên mầm non trên địa bàn huyện đảm bảo kịp thời, công tác bố trí
trường lớp học được triển khai hợp lý về số lượng và đảm bảo chất lượng, cơ bản
đáp ứng nhu cầu giáo dục và đào tạo ở địa phương. Riêng ngành học mầm non vẫn
còn tình trạng quá tải học sinh do cơ sở vật chất gặp nhiều khó khăn, toàn
huyện có 96 trường với hơn 24.000 học sinh; tổng số giáo viên 2.208 người. Việc
thực hiện chính sách đối với giáo viên mầm non đầy đủ, kịp thời, đúng đối
tượng. Từ năm 2012 đến nay toàn huyện đã xây dựng được thêm 17 trường chuẩn
Quốc gia ở cả 3 cấp học, nâng tổng số trường chuẩn trong toàn huyện lên 35
trường đạt tỷ lệ 36,5%, dự kiến cuối năm 2014 sẽ đạt chuẩn thêm 6 trường.
Tại buổi giám sát, huyện Thạch Thành
kiến nghị tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị
cho các trường và cơ sở dạy nghề; có chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư
vào lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp để tạo thêm việc làm cho người dân; tăng
mức hỗ trợ cho người đi xuất khẩu lao động...
Thay mặt đoàn giám sát, đồng chí Đỗ
Trọng Hưng ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của huyện Thạch Thành
đạt được những năm qua trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cũng
như việc thực hiện chính sách giáo dục trên địa bàn huyện. Đồng chí đề nghị
huyện trong thời gian tới cần bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của
địa phương, rà soát, xác định nhu cầu thực tế của xã hội để có chiến lược đầu
tư phát triển phù hợp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho
người dân học nghề, cần xây dựng quy hoạch, có lộ trình và chiến lược phát
triển Trường trung cấp Nghề; bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ
cho đội ngũ giáo viên dạy nghề để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề gắn với giải
quyết việc làm cho người lao động; chủ động phối hợp với các doanh nghiệp làm
tốt công tác dạy nghề, tranh thủ tối đa các nguồn lực đầu tư cho công tác đào
tạo nghề. Về công tác giáo dục đào tạo cơ bản ổn định và duy trì hoạt động tốt;
huyện cần phải căn cứ điều kiện thực tế tại địa phương để bố trí, sắp xếp
trường, lớp, học sinh và cán bộ quản lý hợp lý; quan tâm chăm lo đời sống cho
đội ngũ cán bộ, giáo viên, tạo điều kiện để đầu tư phát triển giáo dục - đào
tạo. Các đề xuất, kiến nghị của huyện Thạch Thành, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND
tỉnh tiếp thu và tổng hợp trình HĐND tỉnh trong kỳ họp sắp tới.
Lê Thu Hà