Thực hiện chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2014, ngày 13 tháng 10 năm 2014, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát tại huyện Nga Sơn về: Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chương trình giải quyết việc làm trên địa bàn huyện; việc thực hiện chế độ chính sách đối với giáo viên mầm non; việc bố trí trường, lớp, học sinh và cán bộ quản lý, giáo viên và kết quả xây dựng Trường chuẩn Quốc gia trên địa bàn huyện. Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc; cùng tham dự có đại diện lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo.
Trước khi làm việc với UBND huyện Nga
Sơn, đoàn công tác Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã đến thăm, làm việc tại
Trường Trung cấp Nghề và Trường Mầm non thị trấn Nga Sơn.
Theo báo cáo của UBND huyện, sau hơn 3 năm
triển khai công tác đào tạo nghề, huyện đã giải quyết việc làm cho gần 10 nghìn
lao động trong huyện, góp phần tích cực để nâng cao đời sống nhân dân. Huyện đã
mở được 231 lớp với 13.220 lao động. Sau đào tạo nghề, phần lớn lao động có
việc làm và thu nhập ổn định; năm 2013 thu nhập bình quân đạt 16,6 triệu
đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm trên 3%, năm 2013 tỷ lệ hộ
nghèo còn 14,21%; số lao động xuất khẩu sang Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc là
646 người.
Việc
thực hiện chế độ, chính sách đối với giáo viên mầm non trên địa bàn huyện bảo
đảm kịp thời, đúng quy định. Công tác bố trí trường, lớp học được triển
khai hợp lý về số lượng và bảo đảm chất lượng. Hiện nay, huyện Nga Sơn xếp thứ
2 toàn tỉnh về tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia với tổng số 54 trường, đạt tỷ lệ
62%, toàn huyện có 88 trường học với hơn 29.000 học sinh; tổng số cán bộ, giáo
viên trong các nhà trường là 2.214 người; công tác xây dựng trường chuẩn quốc
gia từ năm 2012 đến nay đạt nhiều kết quả khả quan, nâng cao chất lượng giáo
dục của toàn huyện.
Tại
buổi giám sát, huyện Nga Sơn kiến nghị tỉnh quan tâm, tạo điều kiện đầu tư cơ
sở vật chất, trang thiết bị cho các trường, cơ sở dạy nghề; hỗ trợ kinh phí để
thực hiện việc tư vấn, đào tạo và hỗ trợ sau đào tạo nghề để duy trì và phát
triển nghề; bố trí nhân sự hợp lý để bảo đảm công tác đào tạo nghề cho lao động
nông thôn.
Thay
mặt đoàn giám sát, đồng chí Đỗ Trọng Hưng ghi nhận và đánh giá cao những kết
quả mà huyện Nga Sơn đạt được trong những năm qua. Đồng thời đề nghị huyện
trong thời gian tới cần rà soát xác định nhu cầu thực tế của xã hội để có chiến
lược đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho phù hợp; đẩy mạnh công tác tuyên
truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho người lao động về việc học nghề.
Trường Trung cấp nghề Nga Sơn cần liên kết với các doanh nghiệp, các huyện, thị
xã làm tốt hơn nữa công tác dạy nghề; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy
nghề; tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để thu hút các dự án đầu tư cơ
sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo nghề. Về công tác giáo dục
đào tạo cơ bản ổn định và duy trì hoạt động tốt, nhưng huyện cần phải nghiên
cứu xây dựng mô hình liên trường, căn cứ điều kiện thực tế của địa phương để
xây dựng các trường đạt chuẩn vừa đảm bảo số lượng và chất lượng, thực hiện tốt
quy chế dân chủ ở cơ sở, thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc thu chi ở các
nhà trường bảo đảm sự ổn định tại các đơn vị. Các đề xuất, kiến nghị của huyện
Nga Sơn, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh tiếp thu và tổng hợp trình HĐND tỉnh trong
kỳ họp sắp tới.
Lê
Thu Hà