Ngày 07 tháng 11 năm 2014, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát tại huyện Thường Xuân về: Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chương trình giải quyết việc làm trên địa bàn huyện từ năm 2011 đến nay; Công tác quản lý và thực hiện quy hoạch phát triển du lịch trên địa bàn huyện, công tác chuẩn bị cho Năm du lịch Quốc gia 2015- Thanh Hóa; Việc thực hiện chế độ chính sách đối với giáo viên mầm non. Việc bố trí trường, lớp, học sinh và cán bộ quản lý, giáo viên và kết quả xây dựng Trường chuẩn Quốc gia trên địa bàn huyện. Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc; tham dự có đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Trước khi làm
việc với UBND huyện Thường Xuân, đoàn công tác Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh
đã đi kiểm tra thực tế hoạt
động đào tạo nghề tại Trung tâm dạy nghề Thường Xuân.
Theo báo
cáo của UBND huyện, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ năm
2011 đến nay, huyện đã mở được 16 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 578 lao động
với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 1,4 tỷ đồng. Trong đó có một số mô hình dạy nghề
gắn với giải quyết việc làm có hiệu quả cao như trồng cây cao su, nấm, mộc nhĩ,
mây tre đan... góp phần ổn định cuộc sống, giải quyết việc làm và giảm nghèo
bền vững trên địa bàn huyện.
Về công tác quản lý và thực
hiện quy hoạch phát triển du lịch, UBND huyện đã lập đề án, kế hoạch dài hạn,
ngắn hạn nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của các di tích, danh thắng trên địa
bàn, trọng tâm là Khu di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh Đền Cầm Bá
Thước, Bà Chúa Thượng Ngàn và thắng cảnh Hồ Cửa Đạt kết nối tuyến du lịch Đền
Cửa Đạt - Phủ Na - Am Tiên - làng nghề đá mỹ nghệ Nhồi. Từ năm 2011 đến nay tại
Khu di tích lịch sử văn hóa Đền Cửa Đạt trung bình có khoảng trên 90 ngàn lượt
khách tới tham quan dâng hương, đem lại doanh thu bình quân 1,4 tỷ đồng/năm.
Công tác chuẩn bị cho Năm du lịch Quốc gia 2015 - Thanh Hóa, huyện đã xây dựng
kế hoạch triển khai các nhiệm vụ cụ thể, trọng tâm là tổ chức lễ hội Đền thờ
Cầm Bá Thước, Bà Chúa Thượng Ngàn gắn với hội chợ Xuân Ất Mùi 2015; tổ chức các
hoạt động văn hóa - thể thao, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về các tiềm năng
du lịch của địa phương.
Việc
thực hiện chế độ, chính sách đối với giáo viên mầm non trên địa bàn huyện đảm
bảo kịp thời, công tác bố trí trường lớp học được triển khai hợp lý, cơ bản đáp
ứng nhu cầu giáo dục và đào tạo ở địa
phương. Toàn huyện có 66 trường với gần 19.000 học sinh; tổng số cán bộ,
giáo viên, nhân viên hơn 1.900 người. Từ năm 2012 đến nay toàn huyện đã xây
dựng được 8 trường chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường chuẩn lên 16 trường, đạt
tỷ lệ 22%. Kiên cố hóa trường lớp học toàn huyện đạt 63,5%.
Tại
buổi giám sát, huyện Thường Xuân kiến nghị tỉnh tiếp tục quan tâm tăng kinh phí
và tăng số lớp, số lao động nông thôn tham gia học nghề, hỗ trợ kinh phí sinh
hoạt cho người học; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ
cho phát triển du lịch; mở lớp đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực để nâng
cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ làm công tác du
lịch...
Thay
mặt đoàn giám sát, đồng chí Đỗ Trọng Hưng ghi nhận và đánh giá cao những nỗ
lực, cố gắng của huyện Thường Xuân đạt được những năm trong công tác đào tạo
nghề, chuẩn bị cho Năm du lịch Quốc gia 2015-Thanh Hóa, việc thực hiện chính
sách giáo dục trên địa bàn huyện. Đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế như
kết quả đào tạo nghề còn thấp, số lao động được học nghề chưa nhiều; sản phẩm
du lịch chưa có, hạ tầng du lịch chưa đồng bộ. Vì vậy, trong thời gian tới,
huyện Thường Xuân cần dựa vào tiềm năng thế mạnh của địa phương để đào tạo nghề
gắn với nhu cầu thị trường; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về
học nghề. Trung tâm dạy nghề Thường Xuân cần chủ động phối hợp với các doanh
nghiệp làm tốt công tác dạy nghề, xây dựng lộ trình phát triển các ngành nghề,
nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề. Về phát triển du lịch, cần
tuyên truyền, quảng bá và xây dựng các tour du lịch liên kết các điểm du lịch
trong tỉnh; kêu gọi các nhà đầu tư lớn để xây dựng hạ tầng du lịch. Đối với
công tác xây dựng trường chuẩn không làm theo thành tích mà phải có giải pháp,
bước đi phù hợp với địa phương, quan tâm chăm lo đời sống cho đội ngũ cán
bộ, giáo viên, tạo điều kiện để đầu tư phát triển giáo dục - đào tạo.
Các
đề xuất, kiến nghị của huyện Thường Xuân, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh tiếp thu
và tổng hợp trình HĐND tỉnh trong kỳ họp tới.
Lê Thu Hà