Chuẩn bị cho công tác thẩm tra Tờ trình của UBND tỉnh tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Khóa XVI, ngày 08/12/2014 Ban Kinh tế & Ngân sách HĐND tỉnh đã làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư và Cục Thống kê; đồng chí Phùng Bá Văn - Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trưởng Ban Kinh tế & Ngân sách HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc; tham gia buổi làm việc có Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.
Tại hội nghị, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo về tình
hình kinh tế - xã hội 2014, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; tình
hình đầu tư phát triển năm 2014, kế hoạch đầu tư phát triển năm 2015 và Đề án
điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh
Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng
trưởng kinh tế năm 2014 ước đạt 11,6%, vượt mục tiêu kế hoạch (11,5%) và cao
hơn 2 năm trước (năm 2012 đạt 10,3%; năm 2013 đạt 11,2%). Cơ cấu các ngành kinh
tế trong GDP chuyển dịch đúng hướng: tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản chiếm
18,8% (giảm 0,9% so với cùng kỳ); công nghiệp – xây dựng chiếm 40,9% (tăng 0,9% so với cùng kỳ); dịch
vụ chiếm 40,3% (tương đương cùng kỳ). GDP bình quân đầu người ước đạt 1.365 USD,
vượt mục tiêu kế hoạch (1.320 USD).
Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 5,2% so với
cùng kỳ, vượt mục tiêu kế hoạch (3,4%): năng suất lúa ước đạt 58,6 tạ/ha (tăng
2,7 tạ/ha so với cùng kỳ), tổng sản lượng lương thực ước đạt 1,737 triệu tấn (vượt
2,7% kế hoạch, tăng 5,3% so với cùng kỳ); giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt
30.489 tỷ đồng (bằng 99,5% kế hoạch, tăng 12,4% so với cùng kỳ); tổng mức bán
lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 52.474 tỷ đồng (tăng 17,5% so với cùng
kỳ); kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,042 tỷ USD (vượt 4,3% kế hoạch, tăng 7% so
với cùng kỳ); thu ngân sách nhà nước (NSNN) vượt dự toán và tăng cao so với
cùng kỳ, ước đạt 7.526 tỷ đồng (vượt 34,4% dự toán, tăng 16,7% so với cùng kỳ),
trong đó thu nội địa (trừ tiền sử dụng đất) đạt 5.526 tỷ đồng, vượt 1.146 tỷ
đồng so với dự toán; huy động vốn đầu tư phát triển ước đạt 85.530 tỷ đồng,
vượt mục tiêu kế hoạch và tăng cao so với cùng kỳ, đóng góp lớn cho tăng trưởng
kinh tế, trong đó: vốn NSNN, TPCP 10.550 tỷ đồng (chiếm 12% tổng nguồn), tăng
62% so với cùng kỳ, bằng 113% kế hoạch; vốn tín dụng đầu tư 8.710 tỷ đồng
(chiếm 10% tổng nguồn), tăng 4% so với cùng kỳ, bằng 108% kế hoạch; vốn đầu tư
của DNNN 1.210 tỷ đồng (chiếm 2% tổng nguồn), tăng 3% so với cùng kỳ, bằng 115%
kế hoạch; vốn đầu tư nước ngoài 37.220 tỷ đồng (chiếm 44% tổng nguồn), gấp 4,1
lần so với cùng kỳ, bằng 135% kế hoạch; vốn đầu tư của dân cư và các thành phần
kinh tế khác 27.840 tỷ đồng (chiếm 33% tổng nguồn), tăng 17% so với cùng kỳ,
bằng 116% kế hoạch. Hoạt động kinh tế đối ngoại, công tác xúc tiến đầu tư được
quan tâm, quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế, nhà tài trợ được củng cố và
mở rộng. Lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm chỉ đạo và có chuyển biến tiến
bộ, các vấn đề xã hội bức xúc từng bước được giải quyết, các chính sách an sinh
xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Tình hình chính trị ổn định, quốc phòng
an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, cải cách hành chính, thực hành
tiết kiệm, chống lãng phí được quan tâm chỉ đạo thực hiện....
Từ những kết quả đạt được, trên cơ sở dự báo tình hình
năm 2015 có những thuận lợi, khó khăn và thách thức, báo cáo đã nêu cụ thể các
mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, cụ thể: Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế
đạt 11,7% trở lên, trong đó: nông lâm, thủy sản tăng 3,4%; công nghiệp - xây
dựng tăng 13,6%; dịch vụ tăng 12,8%. Cơ cấu các ngành kinh tế trong GDP: nông,
lâm, thủy sản chiếm 17,6%; công nghiệp - xây dựng chiếm 42%; dịch vụ chiếm
40,4%; sản lượng lương thực đạt 1,6 triệu tấn trở lên; GDP bình quân đầu người
đạt 1.520 USD; kim ngạch xuất khẩu đạt 1,105 tỷ USD; tổng vốn đầu tư phát triển
trên địa bàn khoảng 108.000 tỷ đồng; tổng thu NSNN đạt 7.003 tỷ đồng, tỷ lệ huy
động GDP vào ngân sách đạt 7%. Về xã hội,
giải quyết việc làm cho 63.000 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%; tỷ
lệ hộ nghèo giảm từ 3% trở lên; tốc độ tăng dân số tự nhiên dưới 0,65%; tỷ lệ
xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế 45%, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh
dưỡng giảm còn 17%.
Năm 2015, tổng vốn đầu tư toàn xã hội dự kiến 108.000 tỷ
đồng trong đó: vốn NSNN, TPCP 13.500 tỷ đồng (chiếm 12,5% tổng nguồn); vốn tín
dụng đầu tư 10.150 tỷ đồng (chiếm 9,4% tổng nguồn); vốn đầu tư của DNNN 1.250
tỷ đồng (chiếm 1,2% tổng nguồn); vốn đầu tư nước ngoài 54.200 tỷ đồng (chiếm 50,2%
tổng nguồn); vốn đầu tư của dân cư và các thành phần kinh tế khác 28.900 tỷ
đồng (chiếm 26,7% tổng nguồn).
Tại
buổi làm việc, Cục Thống kê đã báo cáo phân
tích tình kinh tế - xã hội năm 2014 và dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2015. sau
khi nghe ý kiến của các thành viên Ban Kinh tế & Ngân sách, đồng chí
Phùng Bá Văn kết luận buổi làm việc, cơ bản thống nhất với các Báo cáo và đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh,
sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, của toàn thể nhân dân, doanh nghiệp
và các tổ chức chính trị, xã hội trong tỉnh nên năm 2014 nên hầu hết các chỉ
tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội của tỉnh đều đạt hoặc vượt chỉ tiêu mà Nghị
quyết HĐND tỉnh đã đề ra. Đối với Đề án điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể
phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm
2030, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã nêu được sự cần thiết phải điều chỉnh, bổ sung trên
cơ sở đánh giá thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh
Thanh Hóa đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số
114/2009/QĐ-TTg ngày 28/9/2009; dự báo tình hình phát triển kinh tế - xã hội
của cả nước và tỉnh có nhiều thay đổi, nhiều chỉ tiêu quy hoạch được phê duyệt
không còn phù hợp, đặc biệt sau khi cảng hàng không Thọ Xuân đi vào hoạt động quý
I/2014 và dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã khởi công xây dựng quý IV/2013.
Nguyễn Thị
Huệ