Ngày 13 tháng 5 năm 2015, Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh làm việc với UBND huyện Tĩnh Gia về thực hiện pháp luật trong lĩnh vực khai thác, chế biến tiêu thụ tài nguyên khoáng sản.
Đồng chí Trần Quang Đảng, ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh chủ trì buổi làm việc. Tham dự có đại diện lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh và Thanh tra tỉnh.
Trước khi làm việc với UBND huyện, Đoàn công tác Ban
Pháp chế HĐND tỉnh đã đi khảo sát thực tế mỏ đá vôi của Công ty TNHH một thành
viên Tân Thành tại xã Trường Lâm huyện Tĩnh Gia.
Theo báo cáo của UBND huyện, hiện nay trên địa bàn huyện Tĩnh Gia
có 22 mỏ đã được cấp giấy phép, trong đó
có 09 mỏ đất; 13 mỏ đá.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác quản lý nhà nước về tài
nguyên khoáng sản. Trong thời gian qua huyện Tĩnh Gia thường xuyên quán triệt
sâu rộng trong cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các xã chấp hành nghiêm các
quy định của nhà nước về lĩnh vực tài nguyên khoáng sản. Vì vậy, công tác thực
hiện pháp luật trong quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện
có những chuyển biến tích cực. Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép đã từng
bước được xử lý, khắc phục. Trên cơ sở các văn bản quy định của cấp trên, từ
năm 2012 đến nay UBND huyện đã thành lập nhiều đoàn thanh tra liên ngành, kiểm
tra và ngăn chặn các vi phạm về hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, giải
tỏa các điểm tập kết và kinh doanh cát trái phép trên địa bàn. Qua kiểm tra,
phát hiện và xử phạt 30 triệu đồng; xử phạt 01 trường hợp khai thác đất trái
phép trên diện tích đất trồng lúa.
Phát biểu
kết luận buổi làm việc, đồng chí Trần Quang Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,
Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh ghi nhận những nỗ lực cố
gắng của huyện Tĩnh Gia đối với công tác quản lý nhà nước về khoáng sản. Đồng
chí khẳng định về cơ bản các doanh nghiệp đều có các thủ tục khai thác, giấy
phép và hồ sơ liên quan theo quy định. Các doanh nghiệp khai thác đã giải quyết
việc làm, nâng cao đời sống cho người lao động, đáp ứng được nhu cầu về vật liệu
san lấp, xây dựng phục vụ các dự án trọng điểm trong khu Kinh tế Nghi sơn, Quốc
lộ 1A. Đồng thời cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm đó là công tác quản lý nhà
nước về tài nguyên khoáng sản của chính quyền địa phương nơi có khoáng sản còn hạn chế, thiếu quyết liệt.
Vì vậy tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn diễn ra. Quá trình
khai thác, chế biến khoáng sản một số đơn vị đã làm ảnh hưởng đến môi trường,
hư hỏng đường giao thông, hạ tầng kỹ thuật; không thực hiện đầy đủ các thủ tục
theo quy định của nhà nước như chưa ký hợp đồng thuê đất, chưa thực hiện cắm mốc
giới ngoài thực địa, công bố giá và kết quả khai thác, thuế tài nguyên, phí môi
trường; chưa có báo cáo giám sát môi trường; chưa có đề án cải tạo, phục hồi
môi trường bổ sung và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường; chưa ban hành nội
quy an toàn lao động. Một số doanh nghiệp chưa thực hiện việc đóng bảo hiểm cho
người lao động nhưng vẫn chưa kiên quyết xử lý. Việc chỉ đạo đôn đốc thực hiện
các kết luận thanh tra của các cơ quan chức năng có trường hợp còn chậm, thực
hiện chưa kiên quyết, triệt để. Để quản lý tốt việc khai thác khoáng sản trên địa
bàn đồng chí đề nghị huyện Tĩnh Gia cần cụ thể hóa các văn bản quy định của
pháp luật về khoáng sản để triển khai thực hiện; tăng
cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, thực hiện hướng dẫn
cho các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt các quy định của pháp luật về khoáng sản;
tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác, chế biến
khoáng sản đạt hiệu quả cao. Chỉ đạo UBND các phòng tài nguyên và môi trường và
các phòng chức năng tham mưu cho UBND
huyện chỉ đạo các đơn vị khai thác khoáng sản thực hiện nghiêm túc các kết luận
của các đoàn thanh tra và báo cáo kết quả về UBND huyện. Huyện cần tổ chức
họp định kỳ, trao đổi với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn để
đánh giá tình hình hoạt động khai thác khoáng sản, kịp thời giải quyết những
khó khăn vướng mắc tạo sự đồng thuận trong hoạt động quản lý, khai thác tài
nguyên khoáng sản. Khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật vào khai thác. Thường trực HĐND, Ban
Pháp chế HĐND huyện cần tăng cường giám sát việc thực hiện pháp luật trong lĩnh
vực khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.