Ngày 19 tháng 5 năm 2015, Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh đã khảo sát công tác quy hoạch mạng lưới trường, lớp học; việc sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên hành chính; việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục trên địa bàn huyện Như Thanh. Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.
Trước khi làm việc với UBND huyện Như Thanh, đoàn công
tác Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã đến xã Mậu Lâm để nắm tình hình thực tế,
nghe lãnh đạo UBND xã và đại diện lãnh đạo các trường báo cáo công tác quy
hoạch mạng lưới trường, lớp học; việc sắp xếp bố trí đội ngũ cán bộ quản lý,
giáo viên và nhân viên hành chính; việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp
giáo dục trên địa bàn xã.
Theo báo cáo của UBND huyện Như Thanh, hiện nay quy mô trường, lớp học trên
địa bàn huyện được sắp xếp hợp lý, ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của con
em các dân tộc trên địa bàn huyện. Trong 4 năm vừa qua, huyện đã
tiến hành sáp nhập 2 trường Tiểu học (Xuân Thọ, Phúc Đường), 2 trường THCS
(Xuân Thọ, Phúc Đường) thành 2 trường Tiểu học và Trung học cơ sở của 2 xã Phúc
Đường, Xuân Thọ; Thành lập Trường THCS và THPT Như Thanh ở phía Bắc huyện trên
cơ sở Trường THCS Phượng Nghi. Công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp
học được quan tâm thực hiện. Tổng số trường học 57 trường, 776 nhóm, lớp với
20.369 học sinh gồm: 17 Trường mầm non; 19 Trường tiểu học; 2 Trường tiểu học
và trung học cơ sở; 15 Trường trung học cơ sở; 1 Trường trung học cơ sở và
trung học phổ thông; 2 Trường trung học phổ thông và 1 Trung tâm giáo dục
thường xuyên và dạy nghề. Có 22 Trường đạt chuẩn Quốc gia. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Quyết định
số 3678/2011/QĐ-UBND ngày 08/11/2011 của UBND tỉnh về việc ban hành
quy định điều động, thuyên chuyển, tiếp nhận và tuyển dụng cán bộ quản lý, giáo
viên, nhân viên hành chính các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở công
lập. Các chế độ, chính sách cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trong biên chế và
hợp đồng được thực hiện đầy đủ, kịp thời đúng quy định.
Hằng
năm, huyện đã thực hiện phân bổ ngân sách đảm bảo đủ chi các chế độ cho giáo viên và cho hoạt động nghiệp vụ; Đồng thời quản
lý, sử dụng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước theo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu
quả.
Tuy nhiên qua
giám sát cho thấy, đội ngũ giáo viên hiện nay đang mất cân đối về chủng loại,
thừa thiếu cục bộ, nhất là các môn đặc thù như Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật,
Tin học; số giáo viên điều chuyển từ bậc THCS sang các trường tiểu học chưa
được đào tạo lại nên gặp khó khăn trong giảng dạy. Ngân sách đầu tư xây dựng Trường
chuẩn quốc gia còn hạn chế so với nhu cầu hiện nay.
Thay mặt Đoàn công tác, đồng
chí Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh đánh giá
cao những kết quả đạt được của ngành giáo dục – đào tạo huyện trong những năm
qua. Đồng thời đề nghị UBND huyện Như Thanh tiếp tục rà soát, điều chỉnh mạng
lưới trường, lớp học trên địa bàn đáp ứng nhu cầu của tình hình thực tế. Bố trí
đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên trường học hợp lý, tránh tình trạng thừa thiếu cục bộ; các khoản thu
chi trong nhà trường phải được công khai, minh bạch,
sử dụng đúng nguyên tắc. Tăng cường thanh tra, kiểm tra nguồn kinh phí
chi thường xuyên cho các đơn vị giáo dục theo đúng quy định, đảm bảo thực hiện
tốt các hoạt động, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn. Đối với những đề xuất kiến nghị của huyện,
xã và các nhà trường, Ban sẽ tổng hợp, nghiên cứu trình HĐND tỉnh./.
Lê Thu Hà