Theo Kế hoạch số 32/HĐND – KTNS ngày 10/02/2015 của Ban Kinh tế và Ngân sách về khảo sát tình hình hoạt động khoa học và công nghệ từ năm 2011 – 2015, ngày 12/8/2015 Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh đã làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ. Đồng chí Đỗ Thanh, Phó Trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc; tham gia làm việc có Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND, lãnh đạo Sở Kế hoạch & Đầu tư, Sở Tài chính.
Theo báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ,
Đề án phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) tỉnh Thanh Hóa giai đoạn
2011-2015 có 06 chương trình KH&CN trọng điểm, bao gồm: Phát triển tiềm lực
KH&CN; Ứng
dụng KHCN nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp cạnh tranh, xây dựng nông thôn
mới và phát triển nông nghiệp bền vững; Ứng dụng KHCN nâng cao chất lượng, sức
cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá - dịch vụ, hiện đại hoá công nghệ sản xuất
ngành công nghiệp và xây dựng; Khoa học
xã hội và nhân văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Ứng dụng các thành
tựu KH&CN trong Y dược phục vụ chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng; Ứng
dụng KH&CN khai thác hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, sử dụng nguồn
năng lượng tái tạo, năng lượng sinh học, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến
đổi khí hậu.
Qua triển khai 06 chương trình nêu trên, từ năm 2011
đến nay đã có 260 đề tài/dự án KH&CN cấp tỉnh được triển khai thực hiện,
trong đó đã hoàn thành và được nghiệm thu 150 đề tài/dự án (đạt 57,7%). Ở các
mức độ khác nhau, nhìn chung các đề tài/dự án KH&CN đã góp phần tích cực
vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Những mô hình sản xuất tiên tiến đã được xây dựng, công nghệ
và kỹ thuật tiến bộ đã được chuyển giao, như: mô
hình trồng cói - nuôi thuỷ sản
đặc sản vùng đất nhiễm mặn xã Nga Tân huyện Nga Sơn (sản lượng cói đạt
8,7 tấn, cá quả đạt 3,5 tấn, cá bống bớp đạt 1,5 tấn, cá rô phi đạt 3,0 tấn); Mô hình sản xuất
trang trại sinh thái nông nghiệp gà - mía, an toàn sinh học ở vùng nguyên liệu
mía đồi ở huyện Thạch Thành, Như
Xuân, Nông Cống (06 mô hình trang trại gà - mía tại 3 vùng mía nguyên
liệu; tập huấn cho 10 cán bộ, 90 nông dân về phát triển trang trại sinh thái
nông nghiệp gà-mía); Mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng và mùa vụ trên
chân đất vàn cao, cấy lúa kém hiệu quả ở Hà Trung; Mô hình ứng dụng vật liệu Polyacrylamit chống xói
mòn, bạc màu đất, nâng cao năng suất cây mía trên vùng đất dốc huyện Thọ Xuân,
Thạch Thành; Mô hình trồng Rong câu chỉ
vàng ghép với các đối tượng nuôi thủy sản có giá trị kinh tế theo hướng bền
vững tại vùng triều (Hoằng Hoá).
Tiếp nhận chuyển giao công nghệ, kỹ thuật
tiến bộ trong: sinh sản nhân tạo sản xuất một số giống cá quí bản địa để phát
triển bền vững nguồn lợi thuỷ sản các vùng hồ chứa nước đầu nguồn và lưu vực
sông lớn của tỉnh Thanh Hoá; sản xuất giống cá Lóc, giống cá Lăng chấm (Hemibagrus guftatus – Lacepede 1803)
bằng công nghệ cho đẻ nhân tạo; ứng
dụng công nghệ nuôi thử nghiệm cá Hồi vân (Oncorhynchus mykis) thương phẩm tại
xã Phú Lệ - Quan Hóa - Thanh Hóa; ứng dụng phương pháp lai truyền thống, chọn
tạo một số tổ hợp lúa lai mới có năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp với
Thanh Hoá; ứng dụng công nghệ chuyển gen kháng bệnh bạc lá vào một số giống lúa
chất lượng cao tại Thanh Hoá; các giải pháp phòng chống bệnh vàng lùn, lùn xoắn
lá và lùn sọc đen hại lúa tại Thanh Hoá; Nghiên cứu quản lý dinh dưỡng theo
vùng riêng biệt cho sản xuất lúa ở Thanh
Hoá; Ứng dụng phần mềm DSSAT (decision Support System for Agrotechnology
Transfer) phục vụ thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao tại Thanh
Hóa; Nghiên cứu đặc điểm nông hoá, xác định chế độ canh tác thích hợp
cho từng loại đất vùng thâm canh lúa để đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao
ở Thanh Hoá; Ứng dụng quy trình bảo
quản thóc đóng bao trong môi trường áp suất thấp tại Dự trữ quốc gia khu vực
Thanh Hóa; Hoàn thiện công nghệ sản xuất đèn lồng hai mề bằng nan Vầu phục vụ
xuất khẩu.
Lĩnh vực y - dược đã ứng dụng một số công
nghệ mới, kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị, nâng cao chất lượng khám
chữa bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, như: kỹ thuật chụp mạch kỹ thuật số trong chẩn đoán và điều trị bệnh động mạch
vành tại Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Thanh Hóa; điều trị cố định cột sống trong gãy
cột sống lưng - thắt lưng bằng nẹp vít ULC tại Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực Thanh
Hóa; xạ trị bằng máy gia tốc tuyến tính điều trị ung thư vòm họng và hạ
họng thanh quản tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa; phẫu thuật cắt dịch kính điều trị bệnh lý bán phần sau đáy mắt tại Bệnh
viện Mắt Thanh Hóa.
Giai đoạn
2011-2015, trên địa bàn tỉnh có nhiều tổ chức, cá nhân đã tham gia hoạt động
KH&CN dưới hình thức góp vốn, nhân công, các máy móc thiết bị của đơn vị
chủ trì nhiệm vụ KH&CN hoặc của các tổ chức, cá nhân thụ hưởng kết quả
nhiệm vụ KH&CN với số kinh phí chiếm khoảng 2/3 tổng kinh phí thực hiện các
các nhiệm vụ KH&CN (khoảng 230/350 tỷ đồng).
Sau khi nghe ý kiến của các thành viên Ban, các ngành; kết luận
buổi làm việc, đồng chí Đỗ Thanh, Phó Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh
đã ghi nhận sự cố gắng của ngành Khoa học và Công nghệ trong việc thực hiện Đề
án phát triển KH&CN tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2011-2015 trong điều kiện
nguồn lực dành cho phát triển KH&CN của ngân sách còn khó khăn; những ứng
dụng của các đề tài, dự án KH&CN, những công nghệ kỹ thuật tiến bộ đã góp phần
trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua.
Đồng chí đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ tiếp thu ý kiến tại hội nghị,
bổ sung hoàn thiện báo cáo đánh giá rõ hơn các đề tài/dự án KH&CN sử dụng
vốn ngân sách nhà nước về hiệu quả, tính động lực, tính đột phá trong phát
triển kinh tế- xã hội của tỉnh; báo cáo về hiệu quả hoạt động của Quỹ Phát
triển khoa học và công nghệ .... Những đề
xuất, kiến nghị của Sở, ban Kinh tế và Ngân sách tiếp thu và báo cáo HĐND tại
kỳ họp thứ 14, HĐND khóa XVI.
Nguyễn Thị Huệ