Thực hiện Nghị quyết số 101/2014/NQ - HĐND ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Chương trình giám sát năm 2015, ngày 2 tháng 7 năm 2015, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã có buổi làm việc với Sở xây dựng và Sở Tài nguyên và Môi trường về thực hiện pháp luật trong lĩnh vực khai thác, chế biến tiêu thụ tài nguyên khoáng sản.
Đồng chí Trần Quang Đảng, ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh chủ trì buổi làm việc. Đồng chí Lê Thị Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Thanh tra tỉnh; Cục thuế Thanh Hóa, Công Thương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng dự buổi làm việc.
Thanh Hóa có
nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú và đa dạng, cho đến nay phần lớn diện tích tỉnh đã được ngành Địa chất tổ chức điều
tra đến tỷ lệ 1/ 50.000, kết quả đã phát hiện, đánh giá 152 mỏ, điểm khoáng sản
và 28 loại khoáng sản rắn có biểu hiện khoáng sản. Đến nay
UBND tỉnh phê duyệt trữ lượng 209 mỏ; cấp 216 giấy phép khai thác khoáng sản;
85 giấy phép thăm dò; đóng cửa 28 mỏ. Công tác thăm dò, phê duyệt trữ lượng, cấp
phép khai thác khoáng sản; chấp hành các quy định về sử dụng đất đai trong khai
thác khoáng sản cơ bản thực hiện đúng quy định của pháp luật. Thực hiện quy
trình đấu giá, định giá và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với mỏ
cát là 105,7 tỷ đồng và các mỏ đá, đất san lấp và đất sét làm gạch ngói: 104,3 tỷ
đồng.
Tuy nhiên việc chấp hành pháp luật trong công
tác quản lý, khai thác khoáng sản vẫn còn những hạn chế, tồn tại đó là: Chất lượng quy hoạch, khảo sát, thăm dò, khai thác và sử
dụng tài nguyên khoáng sản còn thấp, chưa phù hợp với thực tế, chưa đánh giá và
dự báo đúng nhu cầu về nguyên liệu của từng
vùng, miền trong tỉnh. Các dự án chế biến sâu về khoáng sản triển khai quá chậm
hoặc đã đi vào hoạt động nhưng hiệu quả không cao. Công nghệ khai thác, chế biến
khoáng sản còn lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản sau cấp
phép chưa được chú trọng, xử lý vi phạm kiên quyết, triệt để nên còn để xảy ra
tình trạng một số đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản chưa thực hiện đầy
đủ các thủ tục cần thiết đã tiến hành khai thác mỏ....
Sau khi nghe ý kiến của các thành viên trong Đoàn giám sát, ý kiến giải
trình của lãnh đạo Sở Tài
nguyên và Môi trường, sở Xây dựng và các ngành có liên quan. Thay mặt Đoàn giám sát, đồng chí Trần Quang Đảng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ nhiệm
UBKT Tỉnh ủy, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh kết luận buổi làm việc. Đồng chí ghi nhận những nổ lực cố gắng của 2 ngành trong công tác quản lý
khai thác khoáng sản. Việc cấp 216 giấy phép khoáng sản cho các tổ chức, cá nhân trong những năm qua
đã đáp ứng được nhu cầu về sử dụng khoáng sản của tỉnh, đặc biệt là nhóm khoáng
sản vật liệu xây dựng và phụ gia xi măng, tạo việc làm cho một bộ phận người dân có thu nhập và
nâng cao đời sống; nhiều đơn vị hoạt động kinh doanh có hiệu quả đã đóng góp
xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi xã hội. Các địa phương có hoạt
động khai thác và chế biến khoáng sản đã góp phần phát triển theo hướng tích cực.
Đồng chí đề nghị
trong thời gian tới 2 ngành cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên
khoáng sản. Nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra; các ngành chức
năng cần tham mưu cho UBND cùng cấp, thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra
liên ngành định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra đối với các đơn vị, các doanh nghiệp
trong việc chấp hành các quy định quản lý, khai thác khoáng sản; chú trọng, kiểm
tra, thanh tra, đôn đốc việc thực hiện sau kết luận thanh tra, kiểm tra.
Lê Hương