Ngày 23-2, tại tỉnh Quảng Ninh dưới sự chủ trì của đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và các đồng chí: Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa; Lê Đình Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh; Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc đã diễn ra hội nghị trao đổi kinh nghiệm công tác giữa 4 tỉnh Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc về những cách làm hay, định hướng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của mỗi tỉnh.

 

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc trao đổi kinh nghiệm công tác

Đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cùng các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy 4 tỉnh Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc.

Tham dự hội nghị, có các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy 4 tỉnh Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc. Trong đó, tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành chức năng của tỉnh.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc trao đổi kinh nghiệm công tác

Các đại biểu dự hội nghị.

4 tỉnh Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc đều có vị trí địa, chính trị quan trọng đối với các vùng trọng điểm phát triển của cả nước. Trong những năm qua, các tỉnh đều đã phát huy được những tiềm năng, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của mỗi địa phương, có những bước phát triển vượt bậc với những cách làm sáng tạo, đột phá, năng động, những mô hình hay, kinh nghiệm quý. Những năm gần đây, 4 tỉnh thường xuyên có các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, liên kết, hợp tác trên nhiều lĩnh vực; nhất là sự gắn kết chặt chẽ giữa các cực tăng trưởng, các trung tâm phát triển của các vùng; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Bước sang năm 2019, năm bản lề của cả nhiệm kỳ, đòi hỏi mỗi địa phương trong cả nước phải tăng tốc, bứt phá trên các lĩnh vực; phấn đấu đạt kết quả cao nhất để góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII cũng như nghị quyết đại hội Đảng của địa phương. Chính vì vậy, trong chương trình trao đổi kinh nghiệm lần này, các tỉnh đã chia sẻ những cách làm hay, định hướng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, trong đó, tập trung vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng bộ máy, đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị theo các nghị quyết của Trung ương; huy động nguồn lực phát triển hạ tầng, chủ yếu thông qua xã hội; cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực; quảng bá, quản lý, khai thác phát triển du lịch trên mỗi địa bàn; Tiếp tục triển khai chương trình nông thôn mới, chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP; bảo đảm an ninh trật tự, đặc biệt là kinh nghiệm liên quan đến dân tộc, tôn giáo và một số nội dung khác.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc trao đổi kinh nghiệm công tác

Các đại biểu dự hội nghị.

Qua trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm mỗi địa phương tiếp tục bổ sung, cụ thể hóa trong các nhiệm vụ, chương trình công tác của mình để triển khai ngay từ đầu năm, góp phần hoàn thành, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu năm 2019 và của cả nhiệm kỳ của mỗi địa phương.

Cho rằng, việc 4 tỉnh Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc tổ chức trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành là phù hợp với chủ trương của Đảng về đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết tỉnh và tình hình thực tiễn, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chỉ đạo và gợi mở thêm một số nội dung để các địa phương nghiên cứu thực hiện. Về công tác xây dựng Đảng, nội dung quan trọng trong Nghị quyết Đại hội XII và các nghị quyết 6, 7, 8 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, đồng chí nhấn mạnh: Phải xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao vai trò và sức chiến đấu của đảng viên và tổ chức đảng. Đảng phải gắn bó máu thịt với nhân dân, phải truyền được cảm hứng và huy động được sức mạnh tổng hợp để xây dựng phát triển đất nước. Và trong công tác xây dựng Đảng, thì công tác cán bộ là then chốt của then chốt. Cho nên phải xây dựng được đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh, có năng lực, có sức chiến đấu cao. Đánh giá cán bộ phải xuyên suốt, đa chiều, liên tục và gắn với kết quả công tác. Cán bộ tốt thì mới có thể không biến thành có, biến khó thành dễ. Chúng ta đang chuẩn bị cho Đại hội XIII. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề nên các địa phương phải đặc biệt chú trọng.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc trao đổi kinh nghiệm công tác

Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

Về kinh tế - xã hội, đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính lưu ý các tỉnh: Phải dựa vào nội lực, bởi nội lực là quyết định, là cơ bản, chiến lược, lâu dài và phải dựa vào 3 trụ cột chính là con người, thiên nhiên và truyền thống lịch sử, văn hóa. Còn ngoại lực là quan trọng, đột phá. Các tỉnh phải xác định rõ quan điểm tự lực, tự cường và sáng tạo. Để phát huy được nội lực, đồng chí Phạm Minh Chính lưu ý các tỉnh phải xuất phát từ bài toán quy hoạch thì mới có thể tìm ra được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Từ đó, mới tìm ra được con đường đi đúng đắn đưa tỉnh phát triển. Đồng thời, phải trả lời được câu hỏi: Làm cái gì, làm như thế nào, nguồn lực ở đâu và ai làm? Từ quy hoạch, các tỉnh sẽ xác định được làm cái gì. Và muốn được việc gì thì phải trăn trở, suy nghĩ, sáng tạo, đam mê và quyết tâm làm bằng được. Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương gợi ý các tỉnh: Nguồn lực chính là từ con người, từ thiên nhiên, từ truyền thống văn hóa, lịch sử. Nhưng cơ chế nào để huy động nó thì các tỉnh phải suy nghĩ, trăn trở để tìm ra. Ví dụ cơ chế lãnh đạo công và quản lý tư; đầu tư công, quản lý tư; đầu tư tư nhưng sử dụng công... mà các tỉnh đang áp dụng chính là sự sáng tạo để tìm ra nguồn lực. Và người làm phải đam mê, nhiệt huyết, tận tâm, tận lực với công việc để đạt được kết quả cao trong thực tế. Kiên quyết không để trong bộ máy những người trông chờ, ỷ lại, làm việc không hiệu quả. Đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đặc biệt lưu ý các tỉnh phải chú trọng đến công tác an sinh xã hội và công bằng xã hội. Việc này cần sự quan tâm và điều tiết của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, điều quan trọng nhất là phải giữ ổn định chính trị ở địa phương. Muốn làm được, các tỉnh phải rất sát sao, cụ thể và nhạy bén trong xử lý các công việc và tình huống cụ thể tại địa phương để đảm bảo an ninh, an toàn và an dân.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc trao đổi kinh nghiệm công tác

Toàn cảnh hội nghị.

Về việc xây dựng thương hiệu của sản phẩm, của địa phương, đồng chí Phạm Minh Chính cho rằng, bên cạnh việc đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nỗ lực nâng cao uy tín địa phương, phải đặc biệt quan tâm đến công tác truyền thông, báo chí, bởi đây không chỉ là phương tiện thông tin chuẩn mà còn là kênh định hướng dư luận chính xác nhất trong bối cảnh nhiều thông tin trên mạng chưa được kiểm chứng như hiện nay.

Về việc thực hiện một số mô hình thí điểm, đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh: Đã có nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị và các hướng dẫn cụ thể, nên các tỉnh phải mạnh dạn làm, trong quá trình thí điểm sẽ có điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi, không được cầu toàn, không nóng vội.

Một lần nữa đánh giá cao sự chủ động của các tỉnh trong việc tổ chức các hội nghị trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để tổng kết những việc đã làm được từ thực tiễn để góp phần điều chỉnh, hoàn thiện, bổ sung vào những văn kiện của Đảng, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương lưu ý các địa phương, khi tổng kết đúc rút kinh nghiệm, tuyệt đối không được chủ quan, nóng vội, không say sưa với thắng lợi, bởi làm được đã khó, giữ được càng khó hơn và giữ được sự phát triển lâu dài là rất khó. Đồng chí mong những hội nghị như thế này là tiền lệ tốt, để các tỉnh tổ chức trao đổi, hợp tác, tăng cường sự liên kết, gắn bó vì sự phát triển của các tỉnh, mà lợi ích của các tỉnh cũng chính là lợi ích chung của đất nước.

Báo Thanh Hóa điện tử


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    542 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 4.184.825
    Trong năm: 1.349.506
    Trong tháng: 144.449
    Trong tuần: 30.926
    Trong ngày: 1.114
    Online: 57