Ngày 11-3, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy để cho ý kiến vào Dự thảo nghị quyết xây dựng huyện Ngọc Lặc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và nhiều nội dung quan trọng khác. Đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.
Toàn ảnh hội nghị.
Dự hội nghị có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện Văn phòng Trung ương Đảng; các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh.
Cho ý kiến vào Dự thảo nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng huyện Ngọc Lặc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, các đồng chí Thường trực, Thường vụ Tỉnh ủy cho rằng: Huyện Ngọc Lặc nằm ở vị trí cửa ngõ giao lưu về kinh tế - xã hội giữa các huyện miền núi phía Tây với các huyện đồng bằng của tỉnh, có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh. Tuy nhiên, quá trình xây dựng và phát triển của huyện Ngọc Lặc còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém, đó là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của huyện; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động còn chậm; các ngành kinh tế nhìn chung sức cạnh tranh còn thấp, chưa định hướng rõ ngành sản xuất mũi nhọn và sản phẩm chủ lực. Huy động vốn cho đầu tư phát triển còn hạn chế; một số dự án triển khai chậm tiến độ. Tốc độ đô thị hóa còn chậm; kết cấu hạ tầng còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển. Đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; một số vấn đề xã hội chưa được quan tâm giải quyết hiệu quả. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp huyện Ngọc Lặc có lúc, có việc chưa đáp ứng được yêu cầu; còn thiếu quyết liệt, sáng tạo, chưa có giải pháp mang tính đột phá để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh đưa kinh tế - xã hội của huyện phát triển nhanh. Chính vì vậy việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng, ban hành nghị quyết xây dựng huyện Ngọc Lặc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là rất cần thiết.
Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cho ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết xây dựng huyện Ngọc Lặc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Các đồng chí Thường trực, Thường vụ Tỉnh ủy cũng cho ý kiến để huyện Ngọc Lặc phát huy tiềm năng, thế mạnh phát triển trong thời gian tới. Trong đó, Ngọc Lặc cần có chiến lược kết nối vùng, có định hướng phát triển cây chủ lực. Quan tâm phát triển đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng, kết nối giao thông vùng. Tăng cường công tác cán bộ, công tác phát triển đảng cơ sở và xây dựng hệ thống chính trị, tổ chức đoàn thể.
Phát biểu kết luận, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến nêu rõ: Việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng và ban hành nghị quyết để Ngọc Lặc phát triển là cần thiết. Trong nghị quyết phải nêu được nội hàm và hướng mục tiêu để phấn đấu. Vì vậy tiêu đề là nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng Ngọc Lặc trở thành huyện khá nhất trong các huyện miền núi phía Tây của tỉnh. Để thực hiện được mục tiêu trên, cấp ủy, chính quyền huyện Ngọc Lặc cần tập trung cao trong lãnh đạo, chỉ đạo để kinh tế - xã hội phát triển. Cùng với đó, giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc. Trước hết, huyện Ngọc Lặc cần rà soát điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo trong quy hoạch chung của tỉnh đến năm 2030. Có cần kế hoạch quy hoạch liên kết vùng phù hợp với tiềm năng thế mạnh. Nghiên cứu phát huy tối đa nội lực trên cơ sở huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân; đồng thời thu hút các nguồn lực từ bên ngoài cho đầu tư phát triển để tạo bước đột phá về phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Ngọc Lặc cần huy động tổng hợp các nguồn lực trong xã hội để thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội, tạo bước đột phá về tăng trưởng giá trị sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Cần có định hướng cụ thể trong phát triển nông nghiệp, phát triển công nghiệp và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ đầu tư kinh doanh, tạo hấp dẫn mới để huy động tối đa, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đô thị. Song song với đó, đẩy mạnh xã hội hóa và nâng cao chất lượng các lĩnh vực văn hóa – xã hội; xây dựng Ngọc Lặc trở thành trung tâm văn hóa, giáo dục – đào tạo, y tế, thể dục thể thao của khu vực miền núi phía Tây của tỉnh. Lấy khoa học công nghệ làm động lực cho Ngọc Lặc phát triển trong thời gian tới; quan tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và thực hiện áp dụng công nghệ 4.0. Tăng cường giữ gìn chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định để phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, hiệu lực hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền các cấp; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Bên cạnh đó, Ngọc Lặc cần phải quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nhiệt huyết với sự nghiệp phát triển của huyện.
Đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Cũng tại hội nghị các đồng chí Thường trực, Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến vào phương án kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (hoặc Phòng Kinh tế) thuộc UBND cấp huyện. Phương án thực hiện hợp nhất trạm thú y, trạm bảo vệ thực vật và trạm khuyến nông thành Trung tâm dịch vụ nông nghiệp trực thuộc UBND cấp huyện. Đề án sáp nhập Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình vào trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố. Đề án sắp xếp các đơn vị làm nhiệm vụ y tế dự phòng cấp tỉnh thành Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa. Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị.
Kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến nêu rõ: Việc sắp xếp lại theo tổ chức, bộ máy của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (hoặc Phòng Kinh tế) thuộc UBND cấp huyện. Phương án thực hiện hợp nhất trạm thú y, trạm bảo vệ thực vật và trạm khuyến nông thành trung tâm dịch vụ nông nghiệp trực thuộc UBND cấp huyện nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết 18 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả; Nghị quyết 19 của của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến đã cho ý kiến chỉ đạo việc xây dựng cơ cấu tổ chức, bộ máy của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (hoặc Phòng Kinh tế) thuộc UBND cấp huyện. Phương án thực hiện hợp nhất trạm thú y, trạm bảo vệ thực vật và trạm khuyến nông thành Trung tâm dịch vụ nông nghiệp trực thuộc UBND cấp huyện.
Về Đề án sáp nhập Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình vào trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thống nhất với Đề án được Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trình tại hội nghị. Đồng thời lưu ý khi thực hiện phải tuân thủ theo các chỉ đạo hướng dẫn của Trung ương và quy định của pháp luật.
Đối với Đề án sắp xếp các đơn vị làm nhiệm vụ y tế dự phòng cấp tỉnh thành Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa, đồng chí chỉ đạo cần quan tâm đến nguyên tắc sau khi sắp xếp phải phát huy tốt hiệu quả.
Về kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến nêu rõ: Ngày 24-12-2018, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 37-NQ/TW về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, tỉnh Thanh Hóa quyết tâm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị và các chỉ đạo Ủy ban Thường vụ của Quốc hội, của Chính phủ. Việc sắp xếp đơn vị hành chính sẽ phải bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, cách làm phù hợp, chặt chẽ, thận trọng, hiệu quả, chắc chắn; phù hợp với quy hoạch tổng thể, yêu cầu phát triển; bảo đảm ổn định chính trị xã hội, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của cấp ủy đảng. Việc sáp nhập 66 xã trên địa bàn tỉnh phải thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị, cấp ủy, chính quyền các cấp phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, coi trọng và làm tốt công tác tuyên truyền; kiên trì vận động, thuyết phục, tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận ủng hộ của nhân dân. Việc sắp xếp đơn vị hành chính căn cứ theo các nguyên tắc, tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số; đồng thời phải chú trọng cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về lịch sử, truyền thống, văn hóa, phong tục, tập quán, điều kiện địa lý tự nhiên, cộng đồng dân cư và yêu cầu bảo đảm quốc phòng - an ninh, chính trị, trật tự xã hội; khuyến khích mở rộng thị trấn của các huyện nhằm đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến yêu cầu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch, đồng thời nghiên cứu tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; Ban Tổ chức Tỉnh ủy nghiên cứu xây dựng hướng dẫn tổ chức Đảng, đoàn thể trong thực hiện Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị. Đồng thời tiến hành thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban. Phấn đấu trước ngày 30-6- 2019 trình HĐND tỉnh quyết nghị và tiến hành sáp nhập 66 xã trên địa bàn tỉnh thành đơn vị hành chính mới trước 1-12-2019.