Cử tri đề nghị làm rõ đất ở và đất sản xuất cho các thôn nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông là thôn Ấm Hiêu, thôn Khuyn, vì hiện nay sau khi quy hoạch 3 loại rừng, thì đất rừng Khu bảo tồn trồng lấn với đất sản xuất của người dân, dẫn đến người dân thiếu đất ở và không có đất để canh tác.
Ngày 26/10/2021 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Văn bản số 6957/BNN-TCLN về việc trả lời kiến nghị cử tri gửi tới sau kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, cụ thể như sau:
Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông được Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa giao quản lý và sử dụng diện tích là 17.660 ha tại Quyết định số 495/QĐ-UB ngày 27/3/1999. Sau đó đã có 02 lần phê duyệt rà soát, điều chỉnh, bóc tách những diện tích trồng lấn ra khỏi diện tích rừng đặc dụng; cụ thể: tại Quyết định số 3001/QĐ-UB ngày 08/11/2001 cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông với diện tích là 16.982,6 ha; Quyết định số 2463/0Đ-UBND ngày 16/7/2013 phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông đến năm 2020 với diện tích là 17.171,03 ha. Ngày 30/10/2014, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chuyển tiếp Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông nằm trong hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định số 1976/QĐ-TTg với diện tích 17.171,53 ha.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, thì Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông thuộc trách nhiệm quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Do vậy, để xử lý đối với diện tích trồng lấn của Khu bảo tồn thiên nhiên với diện tích đất sản xuất của người dân, đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa chuyển kiến nghị của cử tri đến Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa để chỉ đạo Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông phối hợp với chính quyền địa phương rà soát hiện trạng, xác định nguyên nhân cụ thể các diện tích trồng lấn; xây dựng phương án ổn định dân cư sống trong rừng đặc dụng và vùng đệm của khu rừng đặc dụng theo quy định tại Điều 54 Luật Lâm nghiệp và Điều 16 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ, tích hợp vào phương án quản lý rừng bền vững của Khu bảo tồn, đồng thời báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT (Tổng cục Lâm nghiệp) để tích hợp vào quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia giai đoạn 2021-2030, đảm bảo đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh thời kỳ 2021-2030. Trên cơ sở đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.