Vừa qua, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật các lĩnh vực Ủy ban phụ trách tại Thanh Hóa và Nghệ An, trong đó có tín ngưỡng, tôn giáo. Đoàn giám sát ghi nhận công tác tuyên tuyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo đã được chú trọng thực hiện với nhiều hình thức; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo nhìn chung ổn định, tuân thủ pháp luật; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân được bảo đảm.

Tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Qua báo cáo cho thấy, cấp ủy, chính quyền các tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi để các cá nhân, tổ chức tôn giáo và người dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; bảo đảm bình đẳng giữa các tôn giáo, phát huy những giá trị tốt đẹp và nguồn lực của tôn giáo trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhu cầu hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và nhu cầu về đất đai, xây dựng cơ sở tôn giáo cơ bản được giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật, tạo được niềm tin, sự đồng tình, ủng hộ của các chức sắc, chức việc và tín đồ tôn giáo.

Công tác vận động, tranh thủ chức sắc, chức việc và người có uy tín trong các tôn giáo tiếp tục được quan tâm, xây dựng mối quan hệ để tạo ra sự đồng thuận hợp tác giữa chính quyền với giáo hội các tôn giáo. Lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các cấp, các ngành thường xuyên gặp gỡ, thăm hỏi, động viên chức sắc tôn giáo nhân những ngày lễ trọng (lễ Giáng sinh, Phật Đản, lễ thụ phong, bổ nhiệm...). Kịp thời khen thưởng đối với cá nhân, tổ chức tôn giáo có đóng góp tích cực góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội…

Các địa phương cũng thường xuyên duy trì sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, sở, ban, ngành trong thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Quản lý, hướng dẫn thành lập, chia tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc; xây dựng, sửa chữa công trình thờ tự; bồi dưỡng, đào tạo chức sắc; xử lý khiếu nại, tố cáo có liên quan đến từng tôn giáo, đấu tranh với các hành vi lợi dụng tôn giáo.

Tình hình tôn giáo trên địa bàn Thanh Hóa và Nghệ An ngày càng ổn định, đi vào nền nếp. Các giáo hội tôn giáo tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết lương - giáo, gắn bó, đồng hành với dân tộc, tham gia tích cực các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống dịch Covid-19, xây dựng nông thôn mới (nhiều hộ gia đình giáo dân hiến đất, tài sản), xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Năm 2019, Ban Chỉ đạo 68 Trung ương đã đánh giá tình hình tôn giáo tại Nghệ An ổn định nhất kể từ 10 năm trở lại đây.


Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại cuộc làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa
Ảnh: Nhật Linh

Củng cố đội ngũ cán bộ cấp huyện, xã

Đại diện các tỉnh cho biết, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo cấp tỉnh cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, kịp thời nắm bắt tình hình, các hoạt động liên quan đến tôn giáo trên địa bàn. Đội ngũ cán bộ cấp huyện, xã tiếp tục được củng cố, kiện toàn, song một số nơi vẫn còn mỏng về số lượng và hạn chế về chuyên môn.

Tại Thanh Hóa, 27/27 huyện, thị, thành phố đều phân công Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND trực tiếp phụ trách công tác tôn giáo; bố trí 1 Phó Trưởng phòng Nội vụ và 1 chuyên viên theo dõi công tác quản lý nhà nước về tôn giáo. Tại Nghệ An cũng vậy, tùy đặc điểm từng địa phương có sự phân công Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phụ trách công tác tôn giáo; Phòng Nội vụ bố trí lãnh đạo phòng (các huyện trọng điểm vùng giáo bố trí thêm 1 chuyên viên chuyên trách).

Đối với xã, phường, thị trấn, đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo hiện nay đều kiêm nhiệm và chưa có sự thống nhất trong phân công, có nơi Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách; hoặc do Chủ tịch Ủy ban MTTQ, cán bộ Văn phòng - Thống kê, cán bộ Văn hóa - Xã hội, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch, cán bộ chính sách phụ trách công tác tôn giáo. Tại Thanh Hóa, hiện nay, một số huyện đã thành lập các tổ công tác tôn giáo cấp xã, trong đó Phó Chủ tịch UBND xã làm Tổ trưởng, cán bộ Văn phòng phụ trách công tác tôn giáo làm Tổ phó, điển hình như các huyện Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc...

Nhưng cũng chính bởi hoạt động kiêm nhiệm nên một số cán bộ, công chức cấp xã chưa am hiểu về tín ngưỡng, tôn giáo cũng như các quy định pháp luật liên quan, chưa thực sự gắn bó và tâm huyết với công việc, thường xuyên chuyển đổi vị trí công tác. Nhiều xã, nhất là một số xã chưa có tín đồ, cơ sở tôn giáo nên việc phân công cán bộ, công chức theo từng thời điểm, vụ việc, ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Tại một số địa phương, cán bộ cấp huyện làm công tác tôn giáo còn mỏng so với thực tế quy mô của các tôn giáo trên địa bàn (một số huyện, thành phố, thị xã có rất nhiều tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc với số lượng chức sắc, chức việc, giáo dân lớn), dẫn tới quá tải, không đáp ứng yêu cầu công tác.

Từ thực tế đó, các địa phương đề nghị quan tâm hơn tới công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cũng như chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo, để họ nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, gắn bó với công việc.

Toàn tỉnh Nghệ An hiện có 2.602 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, trong đó 460 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh (chủ yếu là các di tích tín ngưỡng như đền, đình làng, nhà thờ họ). Hoạt động tín ngưỡng diễn ra thuần túy, cơ bản chấp hành pháp luật.
Công giáo có khoảng hơn 290.000 tín đồ; 199 chức sắc gồm 2 Giám mục giáo phận và 197 linh mục; 357 nhà thờ xứ, họ đạo tại 174/460 xã, phường, thị trấn của 17 huyện, thành, thị.
Phật giáo có khoảng 165.000 tín đồ, 64 chùa, 1 niệm phật đường tại 14 huyện, thành, thị, 102 Tăng, Ni. 
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An chưa có cơ sở, chức sắc, chức việc Tin lành hoạt động, song có 28 nhóm với hơn 334 tín đồ thuộc 9 hệ phái.
____________________
Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 1.535 cơ sở tín ngưỡng (gồm: đình, đền, miếu, phủ, nhà thờ họ), 4 tôn giáo đang hoạt động ở 27/27 huyện, thị xã, thành phố, gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành và Cao Đài. Số lượng tín đồ các tôn giáo hơn 300.000 người, chiếm tỷ lệ 8% so với dân số toàn tỉnh. Ngoài 4 tôn giáo đã được nhà nước công nhận, còn có hoạt động của “đạo lạ”, hiện tượng, tổ chức mang màu sắc tôn giáo như: Ngọc Phật Hồ Chí Minh, Thanh Hải vô Thượng sư, Pháp Luân công, Âm thanh - Ánh sáng, Long hoa Di lặc, Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ, Ân điển cứu rỗi… tuy số lượng tín đồ không đông, nhưng tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Báo Đại biểu Nhân dân


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    453 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.844.563
    Trong năm: 1.185.218
    Trong tháng: 139.636
    Trong tuần: 33.478
    Trong ngày: 3.779
    Online: 19