Xác định khoa học và công nghệ (KH - CN) có vai trò quan trọng trong tăng trưởng, phát triển kinh tế bền vững. Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KH - CN vào phát triển kinh tế - xã hội, nhất là những lĩnh vực có nhiều tiềm năng, lợi thế.

Nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp

Thanh Hóa là địa phương có tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông nghiệp, chiếm đến hơn 21,9% tổng diện tích tự nhiên, trong đó diện tích đất trồng lúa hơn 138.900ha, đất trồng cây hàng năm gần 58.540ha và đất trồng cây lâu năm khoảng gần 45.700ha. Mặc dù có tiềm năng, lợi thế lớn như vậy, tuy nhiên nhiều sản phẩm vẫn chưa đem lại giá trị lớn về kinh tế, năng suất thấp, tình trạng “được mùa, mất giá” trong sản xuất vẫn thường xảy ra.

Ứng dụng công nghệ nhà kính, nhà màng sản xuất rau, quả, đầu ra ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao
Ứng dụng công nghệ nhà kính, nhà màng sản xuất rau, quả, đầu ra ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao

Từ thực trạng trên, Thanh Hóa xác định ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn là xu hướng tất yếu. Theo đó, Thanh Hóa đã nghiên cứu, tạo thành công thêm 12 giống lúa, 6 giống mía, du nhập nhiều giống cây ăn quả mới như: vải không hạt, nhãn chín sớm, chanh leo, nho hạt đen, na Thái, ổi không hạt, các giống hoa, cây dược liệu quý hiếm có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, đã tiếp nhận, chuyển giao thành công công nghệ sinh học, các mô hình kỹ thuật tiến bộ trong sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu, đông trùng hạ thảo; ứng dụng công nghệ nhà kính, nhà màng để sản xuất rau, quả, đầu ra ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao.  

Đối với trồng trọt, lợi nhuận trung bình đạt 200 triệu đồng/ha/năm, gấp 2,5 - 3 lần so với sản xuất nông nghiệp thông thường; chăn nuôi, lợi nhuận bình quân đạt từ 1,5 - 2 tỷ đồng/trang trại/năm, gấp 2 lần so với chăn nuôi truyền thống; thủy sản, lợi nhuận hơn 2 tỷ đồng/ha/năm. Đặc biệt, 80% các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đã có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, 20% mô hình còn lại có thị trường tiêu thụ ổn định. Nhờ đó, thu nhập của người dân được nâng lên đáng kể. Năm 2022, bình quân đầu người khu vực nông thôn tỉnh Thanh Hóa đạt 37,5 triệu đồng/người/năm.

Xác định chiến lược phát triển khoa học và công nghệ phù hợp

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 nêu rõ “Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KH - CN, chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”, và xem đây là một trong 3 khâu đột phá.

Tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Thanh Hóa, Khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra mới đây, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng cho rằng, các cơ quan chức năng, các sở, ngành có liên quan cần sớm đưa ra các giải pháp cho phát triển nông - lâm nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.

Trên cơ sở đó, các cấp, ngành cụ thể hóa thành nhiều chương trình, kế hoạch; trong đó, tập trung đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất, chế biến trên các lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.

Đồng thời, xây dựng sàn giao dịch nông sản, kết nối tiêu thụ toàn bộ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; đẩy nhanh xây dựng thương hiệu, sản phẩm nông sản, quảng bá sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Xây dựng, thiết lập mã vùng trồng, xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, đăng ký bảo hộ, tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu… cho nông, lâm sản; tạo điều kiện tốt hơn nữa để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, HTX theo hướng hợp tác, liên kết, hình thành các chuỗi giá trị từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm.

Mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 20% trở lên; có 30% trở lên cơ sở sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo ứng dụng chuyển đổi số, phát triển 3 loại vật liệu xây dựng mới, thân thiện với môi trường; 80% trở lên trang website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến, 50% trở lên doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch; chuyển đổi thư viện tỉnh thành thư viện thông minh, xây dựng cổng thông tin điện tử và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động.

Báo Đại biểu Nhân dân


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    370 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.332.945
    Trong năm: 986.371
    Trong tháng: 92.077
    Trong tuần: 25.147
    Trong ngày: 1.041
    Online: 35