Đây là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ khóa XV, Thủ tướng Chính phủ và tất cả các Phó Thủ tướng Chính phủ cùng 21 Bộ trưởng, Trưởng ngành trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Với phạm vi chất vấn rất rộng, liên quan 21 lĩnh vực khác nhau, gồm những vấn đề lớn, quan trọng, phản ánh mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, được Nhân dân và cử tri hết sức quan tâm, diễn biến các phiên chất vấn cho thấy, sáng kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp 21 lĩnh vực khác nhau này thành 4 nhóm lĩnh vực là hoàn toàn đúng đắn, khoa học, vừa bảo đảm tính toàn diện vừa có trọng tâm, trọng điểm, tạo thuận lợi cho cả đại biểu Quốc hội và người trả lời chất vấn.
Toàn diện, trọng tâm, trọng điểm, tạo thuận lợi cho đại biểu và người trả lời chất vấn
Trong 2 ngày rưỡi diễn ra phiên chất vấn, Quốc hội đã dành 815 phút chia đều cho 4 phiên chất vấn với 4 nhóm lĩnh vực (185 phút cho nhóm lĩnh vực kinh tế tổng hợp, 190 phút cho nhóm lĩnh vực kinh tế ngành, 180 phút cho nhóm lĩnh vực nội chính, tư pháp và 190 phút cho nhóm lĩnh vực văn hóa, xã hội) và phần báo cáo giải trình và trả lời chất vấn trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ (70 phút).
Và trong 815 phút đó, đã có 457 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn, 152 lượt đại biểu Quốc hội thực hiện quyền chất vấn, trong đó có 39 lượt đại biểu tranh luận (còn 310 đại biểu đăng ký chất vấn, 15 đại biểu đăng ký tranh luận nhưng chưa được chất vấn, tranh luận).
Với con số này, có thể thấy, cùng quỹ thời gian hai ngày rưỡi, hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ Sáu đã “phá kỷ lục” của Kỳ họp thứ Năm trước đó, cả về con số đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn (454 lượt) và đại biểu Quốc hội thực hiện quyền chất vấn (112 lượt). Không chỉ thuần túy là những con số thống kê một cách cơ học, mà rõ ràng, quỹ thời gian dành cho hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ Sáu đã được sử dụng hiệu quả tối đa đến từng phút trong 815 phút Quốc hội dành cho hoạt động này.
Đương nhiên, bên cạnh những “con số biết nói” nêu trên, thì điều mà cử tri và Nhân dân chờ đợi hơn cả, đó là qua chất vấn, những yêu cầu nêu trong 10 Nghị quyết của Quốc hội từ nhiệm kỳ khóa XIV đến Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV, các cam kết, “lời hứa”... đã được Chính phủ, các thành viên Chính phủ, các trưởng ngành thực hiện như thế nào? Những kết quả nổi bật đạt được là gì? Những tồn tại, hạn chế trong 21 ngành, lĩnh vực từng được chỉ ra qua chất vấn, giám sát chuyên đề đã được xử lý đến đâu? Trách nhiệm thuộc về ai? Đâu là giải pháp căn cơ để tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện, tạo chuyển biến căn bản, thực chất trong từng lĩnh vực được chất vấn, được giám sát?...
Rất mừng, ở các mức độ khác nhau, tất cả những câu hỏi nêu trên đều đã có “lời đáp” từ Chính phủ và các bộ trưởng, trưởng ngành. Đặc biệt, trong hai ngày rưỡi diễn ra phiên chất vấn, chưa một đại biểu nào phải sử dụng đến quyền năng: “Trường hợp thấy cần thiết thì kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc tổ chức giám sát lại theo Khoản 6 Điều 16 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân” mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu trong phát biểu khai mạc hoạt động chất vấn lần này.
Các đại biểu Quốc hội đều đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, có trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề. Các thành viên Chính phủ và trưởng ngành, dù đã “dày dạn” kinh nghiệm trả lời chất vấn, hay mới lần đầu đăng đàn, như Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, thì qua các phần trả lời đều cơ bản cho thấy rõ bản lĩnh của các “tư lệnh ngành”, nắm chắc thực trạng của lĩnh vực phụ trách, trả lời thẳng thắn, giải trình nghiêm túc, làm sáng tỏ nhiều vấn đề và đưa ra được các giải pháp, phương án để khắc phục.
Đúng nguyên tắc, mềm dẻo, linh hoạt, đúng tính chất "tái giám sát"
Đặc biệt ấn tượng với phần điều hành của Chủ tọa, qua theo dõi trực tiếp phiên chất vấn, nhiều cử tri nói rằng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ “không để phí một phút nào” trong các phiên chất vấn, luôn theo sát diễn biến và có sự phân bổ, “điều phối” thời gian rất hợp lý cho từng thành viên Chính phủ và từng trưởng ngành. Cách điều hành vừa giữ đúng nguyên tắc, bảo đảm các quy định của Nội quy kỳ họp Quốc hội (yêu cầu mỗi lần chất vấn, đại biểu nêu chất vấn không quá 1 phút, mỗi lần tranh luận không quá 2 phút và người trả lời chất vấn không quá 3 phút đối với mỗi câu hỏi) được tuân thủ nghiêm; vừa mềm dẻo, linh hoạt theo diễn biến thực tế của từng phần “hỏi - đáp”, “đáp - tranh luận” của Chủ tịch Quốc hội, đã góp phần quan trọng duy trì nhịp độ cũng như không khí sôi nổi, dân chủ, mang tính xây dựng cao và không kém phần hấp dẫn của hình thức giám sát tối cao trực tiếp này của Quốc hội.
Cách thức điều hành đó cũng đã giữ cho các phiên chất vấn đi đúng trọng tâm, trọng điểm và đúng với tính chất của hoạt động “tái giám sát” - các vấn đề đã giám sát, đã chất vấn được theo sát và làm rõ đến cùng. Quỹ thời gian vốn không nhiều, nếu không nói là rất eo hẹp so với phạm vi 21 lĩnh vực đưa ra chất vấn lần này, cũng theo đó được phân bổ và sử dụng một cách hợp lý, góp phần mang lại hiệu quả nhất cho các vấn đề đại biểu đặt ra.
Rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm và rõ giải pháp
Một trong những điểm nhấn, kết quả nổi bật của phiên chất vấn, được nhiều đại biểu cũng như cử tri và Nhân dân ghi nhận, đó là qua chất vấn, có những vấn đề đã tồn tại qua nhiều năm, được đại biểu phản ánh qua nhiều kỳ họp, nhiều phiên thảo luận, nhiều phiên chất vấn nhưng chưa có kết quả, thì qua phiên chất vấn lần này đã cơ bản nhìn thấy “lối ra”.
Trong đó, tiêu biểu phải kể đến nội dung chất vấn thuộc nhóm lĩnh vực kinh tế tổng hợp liên quan đến những vướng mắc, bất cập trong sử dụng kinh phí chi thường xuyên có tính chất đầu tư, đang khiến các bộ, ngành, địa phương bị ách tắc trong việc giải ngân. Đây là vấn đề mà ĐBQH Lò Thị Luyến (Điện Biên) cũng như nhiều đại biểu Quốc hội khác đã “theo đuổi 2 năm nay” và “tư lệnh ngành” tài chính đã có giải trình tại Kỳ họp trước, nhưng đến kỳ họp này, đại biểu vẫn tiếp tục nêu câu hỏi chất vấn. Sau hai phần trả lời của hai “tư lệnh ngành” tài chính, kế hoạch và đầu tư, nhưng vấn đề vẫn chưa chưa “ngã ngũ”, Chủ tọa đã yêu cầu Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội “nhập cuộc”, cùng “chia lửa”, nhằm làm rõ đến cùng xem vướng mắc nằm ở đâu, có phải do Luật Đầu tư công hay không?
Vậy là, cuối cùng, qua hai kỳ họp, tại phiên chất vấn lần này, “ranh giới” mong manh giữa chi thường xuyên và sử dụng kinh phí chi thường xuyên có tính chất đầu tư đã được minh định một cách rõ ràng, công bằng và minh bạch. Trong phát biểu giải trình sau đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ động “đề nghị Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho Chính phủ tiếp tục phối hợp cùng với các bộ, ngành, rà soát các luật, văn bản quy phạm pháp luật và tình hình thực tế để có đề xuất tổng thể giải quyết dứt điểm việc này”.
Và, “rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, thống nhất nhận thức, không để kéo dài, ách tắc những vướng mắc, bất cập về sử dụng kinh phí chi thường xuyên có tính chất đầu tư” là một trong những yêu cầu được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh ngay trong phát biểu kết luận phiên chất vấn.
Cũng với tinh thần làm việc nghiêm túc, quyết liệt và trách nhiệm như vậy, bên cạnh việc ghi nhận, đánh giá đúng, công tâm, khách quan những nỗ lực, thành quả đạt được, “không tô hồng”, “không bôi đen”; rất nhiều vướng mắc, tồn tại, hạn chế, thậm chí là “nút thắt”, “điểm nghẽn” cả ở tầm vĩ mô (liên quan đến thể chế, cơ chế, chính sách, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức...) và vi mô, liên quan đến những vướng mắc cụ thể trong 4 nhóm lĩnh vực đã lần lượt được chỉ rõ, phân tích, soi chiếu dưới nhiều chiều kích, đi tận cùng ngọn nguồn của vấn đề, với những yêu cầu khắc phục rất cụ thể. Rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm và rõ giải pháp.
Trên cơ sở kết quả của phiên chất vấn, Quốc hội sẽ xem xét ban hành Nghị quyết về chất vấn vào cuối kỳ họp. Trong đó, cùng với việc “quy phạm pháp luật hóa” những “cam kết giải quyết dứt điểm” tồn tại, vướng mắc cũ, thì trong Nghị quyết mới này, chắc chắn không thể thiếu các “cam kết”, giải pháp với những lộ trình và mốc thời gian cụ thể trên 21 lĩnh vực mà các thành viên Chính phủ và trưởng ngành đưa ra. Tất cả các “đầu việc” này đã được thể hiện rất đầy đủ trong phát biểu kết luận phiên chất vấn của Người đứng đầu cơ quan lập pháp.
Như vậy, về định lượng cụ thể, Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp này, khi được Quốc hội thông qua, sẽ là căn cứ pháp lý để các đại biểu cùng cử tri và Nhân dân cả nước tiếp tục theo dõi, giám sát việc thực hiện của Chính phủ, các bộ trưởng và trưởng ngành.
Còn với cái nhìn tổng thể, toàn diện và biện chứng hơn, như khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đó là thông qua hoạt động tái giám sát nhằm khẳng định rõ nét hơn một Quốc hội luôn đồng hành cùng cả hệ thống chính trị, nhằm tìm ra các giải pháp phù hợp, sát tình hình thực tiễn, hiệu quả, khả thi, thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Và, cũng bởi một lẽ thật giản dị: Quốc hội là tập hợp của những đại biểu ưu tú do cử tri và Nhân dân bầu ra, được trao sứ mệnh là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu đại diện cao nhất của Nhân dân.