Thảo luận tại tổ, ĐBQH Lại Thế Nguyên đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 trong điều kiện khó khăn, thách thức lớn. ĐBQH Lại Thế Nguyên cũng chỉ rõ nhiều tồn tại, khó khăn đặt ra mà Quốc hội, Chính phủ cần sớm có phương án khắc phục, trong đó, cần sớm ban hành hướng dẫn thực hiện chính sách đặc thù.

Theo ĐBQH Lại Thế Nguyên, Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ trình bày tại kỳ họp thể đã đánh giá một cách đầy đủ, khách quan tình hình kinh tế - xã hội năm 2023, những kết quả đạt được và những tồn tại, khó khăn, thách thức. Có thể khẳng định, mặc dù gặp nhiều khó khăn, song nhìn chung bức tranh nền kinh tế của đất nước có nhiều gam màu sáng, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 4,24%. Kết quả đó có được là sự nỗ lực rất lớn của Đảng, Nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo; sự ủng hộ tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân.

Đại biểu đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt và sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn của chính sách do vướng về thể chế đã được Chính phủ lắng nghe, tháo gỡ kịp thời. Điển hình như: Nghị định 10/2023/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; Nghị quyết 73/NQ-CP ngày 31.8.2023 tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, để thực hiện dự án cấp thiết phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; Nghị định 73/2023/NĐ-CP về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đại biểu cũng đánh giá cao tinh thần quyết tâm, quyết liệt của Chính phủ trong việc chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, tiến độ triển khai các công trình hạ tầng quan trọng của đất nước, nhất là tuyến cao tốc Bắc - Nam, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, trong thực tế phát triển kinh tế - xã hội ở các ngành, địa phương còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, cần tháo gỡ kịp thời. Điển hình như: tiến độ đầu tư công chậm; một số địa phương do thiếu đất san lấp; giá vật liệu, nhất là vật liệu san lấp thực tế cao hơn giá dự toán nên nhà thầu đã thi công cầm chừng cũng vì thua lỗ; việc thi công các công trình trọng điểm (tuyến cao tốc Bắc- Nam) làm hư hỏng, xuống cấp các tuyến đường giao thông của địa phương nhưng Ban quản lý dự án chậm bố trí kinh phí sửa chữa, đầu tư… nên cử tri bức xúc, tập trung đông người, khiếu kiện; một số sản phẩm công nghiệp tiêu thụ chậm, doanh nghiệp gặp khó khăn, ví như các nhà máy xi măng; vấn đề thiếu giáo viên tại các địa phương cũng được cử tri quan tâm…

Tại phiên thảo luận, ĐBQH Lại Thế Nguyên thống nhất 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nêu trong báo cáo của Chính phủ, trong đó đề nghị Chính phủ, Quốc hội tháo gỡ kịp thời, chồng chéo, mâu thuẫn, trong các văn bản pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật, để người thực thi hiểu rõ, làm không sợ và bảo vệ được mình. Tỉnh Thanh Hóa được Quốc hội thông qua Nghị quyết 37 về chính sách đặc thù từ tháng 10.2021. Đến nay, đã 2 năm nhưng một số cơ chế, chính sách vẫn chưa thể triển khai như cơ chế về để lại số tăng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn. Các sở, ngành, địa phương trong tỉnh vẫn đang chờ văn bản hướng dẫn của Chính phủ. Do đó, đề nghị các bộ, ngành, Trung ương sớm tham mưu Chính phủ ban hành văn bản hưởng dẫn để Thanh Hóa sớm được thụ hưởng chính sách.

Báo Đại biểu Nhân dân


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    542 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 4.176.603
    Trong năm: 1.346.593
    Trong tháng: 145.604
    Trong tuần: 29.682
    Trong ngày: 2.800
    Online: 37