Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, 8h00 sáng 19/06/2023, tại Nhà Quốc hội, dưới dự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành Phiên thảo luận.

Tại phiên thảo luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa có ý kiến phát biểu của đại biểu Cầm Thị Mẫn, Đại biểu Quốc hội chuyên trách. Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đại biểu Cầm Thị Mẫn.

 

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội,

Tham gia đóng góp vào dự thảo luật này, tôi xin có một số ý kiến cụ thể như sau:

Thứ nhất, đối với các quy định về phạm vi điều chỉnh tại Điều 1 và việc áp dụng Luật Nhà ở và các luật khác có liên quan tại Điều 4. Điều 1 dự thảo luật về phạm vi điều chỉnh quy định "Luật này quy định về sở hữu, phát triển, quản lý, vận hành, sử dụng nhà ở, giao dịch về nhà ở và quản lý nhà nước về nhà ở tại Việt Nam". Như vậy, Điều 1 dự thảo luật chỉ quy định những vấn đề thuộc về phạm vi điều chỉnh của Luật Nhà ở mà không quy định những vấn đề nhóm quan hệ pháp luật không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này như Luật Nhà ở hiện hành. Đối với các vấn đề không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này thì được cơ quan chủ trì soạn thảo đưa vào quy định tại Điều 4 dự thảo luật. Tuy nhiên, nghiên cứu Điều 4 tôi thấy khoản 1 Điều 4 tiếp tục quy định lại trùng lặp với những nội dung đã được quy định tại Điều 1 của dự thảo luật về phạm vi điều chỉnh là không cần thiết. Đối với nội dung tiếp theo được quy định tại khoản 1 Điều 4, trường hợp luật khác ban hành sau ngày luật này có hiệu lực thi hành mà có quy định các nội dung của Luật Nhà ở thì xác định rõ các nội dung cần được thực hiện với quy định của luật này. Về nguyên tắc, những vấn đề đã được Luật Nhà ở quy định thì đương nhiên luật khác không quy định lại, trừ trường hợp luật khác đó quy định về việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Nhà ở, nếu luật khác đó được ban hành sau Luật Nhà ở. Đồng thời, vấn đề chưa được cơ quan chủ trì soạn thảo dự liệu là đối với những vấn đề đã được luật khác quy định nhưng ban hành trước hoặc ban hành cùng thời điểm với Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực thi hành thì xử lý như thế nào. Dự thảo luật cũng chưa quy định trường hợp Luật Nhà ở chưa có quy định thì áp dụng luật như thế nào. Như vậy, về mặt kỹ thuật lập pháp cần phải xem xét điều chỉnh lại nội dung khoản 1 Điều 4 cho phù hợp.

Khoản 2 Điều 4 quy định đối với giao dịch mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở thương mại của các doanh nghiệp, hợp tác xã có chức năng kinh doanh bất động sản, giao dịch, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thì thực hiện theo quy định của pháp luật kinh doanh bất động sản. Nội dung tại khoản 2 Điều 4 vừa nêu cho thấy việc dẫn chiếu áp dụng chỉ dẫn chiếu tới các quy định của pháp luật kinh doanh bất động sản. Thực tế cho thấy, liên quan tới vấn đề nhà ở có sự tham gia điều chỉnh của các nhóm quan hệ pháp luật thuộc lĩnh vực khác nhau, đồng thời ngay trong dự thảo Luật Nhà ở cũng có điều khoản quy định cụ thể dẫn chiếu hoặc liên quan đến việc áp dụng luật ở các lĩnh vực khác nhau như pháp luật về dân sự, đất đai, công chứng, chứng thực, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch. Như vậy, nghiên cứu các quy định của luật về phạm vi điều chỉnh, áp dụng Luật Nhà ở ở các luật khác có liên quan cho thấy dự thảo luật có được nguyên tắc trong việc xác định phạm vi điều chỉnh của luật này cũng như việc áp dụng Luật Nhà ở hay luật khác có liên quan một cách minh bạch, khả thi, đồng bộ, thống nhất trong mối quan hệ giữa Luật Nhà ở với hệ thống pháp luật khác. Do đó, tôi đề nghị cần xem xét lại các quy định tại Điều 1 và Điều 4 của dự thảo luật theo hướng Luật Nhà ở chỉ quy định những vấn đề đặc thù về nhà ở, trường hợp cần thiết thì viện dẫn ngay tại điều luật cụ thể về các vấn đề có liên quan thuộc lĩnh vực pháp luật khác điều chỉnh để tránh sự chồng chéo, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và khả thi khi Luật Nhà ở có hiệu lực.

Thứ hai, đối với các quy định tại Điều 7 của dự thảo luật. Yêu cầu chung về phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở tại khoản 4 Điều 7 quy định đối với khu vực đô thị việc phát triển nhà ở chủ yếu thực hiện theo dự án, đối với các khu vực còn lại thì căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể các địa điểm, vị trí phát triển nhà ở theo dự án. Đề nghị nghiên cứu điều chỉnh quy định cụ thể theo hướng đối với khu vực đô thị hoặc khu vực được quy hoạch là đô thị việc phát triển nhà ở phải được thực hiện theo dự án, trừ các trường hợp phát triển nhà ở của các thành viên, hộ gia đình, cá nhân theo quy định tại mục 5 Chương IV của dự thảo luật. Đồng thời, bổ sung quy định đối với việc phát triển nhà ở của hộ gia đình, cá nhân trong trường hợp hộ gia đình, cá nhân trúng đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai trúng đấu giá quyền sử dụng đất ở trong dự án đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Lấy ý kiến Bộ Tài nguyên, Môi trường để thống nhất quy định khu vực được thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất ở hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật về đất đai.

Tôi xin hết ý kiến. Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    406 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.803.759
    Trong năm: 1.164.213
    Trong tháng: 137.359
    Trong tuần: 30.012
    Trong ngày: 1.603
    Online: 67