Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Chiều 23/5/2023, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa có ý kiến phát biểu của đồng chí Võ Mạnh Sơn, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh. Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đại biểu Võ Mạnh Sơn.

Kính thưa chủ toạ kỳ họp

Kính thưa Quốc hội

Sau khi nghiên cứu dự thảo Luật Giá (sửa đổi), để tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo Luật, tôi xin tham gia một số ý kiến sau đây:

1. Về tên gọi của Luật

Tôi đề nghị giữ nguyên Luật Giá như hiện nay, bởi: Luật giá số 11/2012/QH13 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII đã bao hàm đầy đủ nội dung về quản lý, điều chỉnh hành vi, hoạt động của các chủ thể trong lĩnh vực giá.

Nếu chúng ta dùng từ “Luật Bình ổn giá”;Luật Quản lý giá” hoặc “Luật Kiểm soát giá có thể sẽ làm hẹp phạm vi điều chỉnh của Luật mà chưa bao quát được các vấn đề có liên quan, ví dụ như: niêm yết giá, kê khai giá, hiệp thương giá, định giá của Nhà nước, thẩm định giá... được quy định điều chỉnh tại Luật.

2. Về đối tượng áp dụng (Điều 2)

Tại Điều 2 Dự thảo Luật quy định về đối tượng áp dụng mới chỉ đề cập đối tượng kinh doanh mà chưa đề cập đến đối tượng sản xuất hàng hoá. Như vậy, chưa thể bao quát hết được các đối tượng sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ bên cạnh các đối tượng về kinh doanh thương mại, bán lẻ… Do đó, đề nghị bổ sung thêm đối tượng sản xuất hàng hoá.

3. Về các hành vi bị cấm (Điều 7)

Tại Điều 6, Luật Quản lý thuế đã quy định về các hành vi nghiêm cấm trong quản lý thuế có bao gồm chuyển giá. Tuy nhiên, Dự thảo Luật giá chưa có nội dung này, trong khi Luật giá là Luật chuyên ngành về giá. Do vậy để đảm bảo tính tương thích, phù hợp đề nghị bổ sung quy định: “Cấm chuyển giá giữa các đơn vị của các doanh nghiệp liên doanh hoặc các doanh nghiệp FDI”.

4. Về mặt hàng bình ổn giá

Thực tế cho thấy, một số mặt hàng hiện nay không cần thiết đưa vào danh mục bình ổn giá, như: Mặt hàng điện là do Nhà nước định giá nên việc định giá, điều chỉnh giá do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền định giá quyết định; đối với mặt hàng muối ăn và đường ăn thì hiện nay nguồn cung ở nước ta tương đối càng dồi dào, tương đối ổn định và nhu cầu ít biến động.

Trong khi đó đối với mặt hàng thức ăn chăn nuôi hiện luôn bị biến động, chi phí chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành chăn nuôi đã tác động không tốt đến phát triển kinh tế của người dân thì vẫn chưa được đưa vào danh mục mặt hàng bình ổn giá.

Do vậy, tôi thống nhất cao với 10 mặt hàng như Dự thảo Luật, thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá được quy định tại Phụ lục số 1.

5.Về quy định hiệp thương về giá (Điều 26)

Khoản 2, Điều 26 quy định về thẩm quyền và trách nhiệm cơ quan hiệp thương giá đã đề cập thẩm quyền hiệp thương của Bộ và Sở quản lý ngành tương ứng hàng hoá , dịch vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành. Tuy nhiên, đối với hàng hoá, dịch vụ thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý của nhiều ngành, lĩnh vực thì chưa rõ thẩm quyền, trách nhiệm hiệp thương giá thuộc cơ quan nào. Đây là vấn đề hoàn toàn có thể xảy ra trên thực tế nhưng dự thảo Luật chưa có dự liệu về tình huống này. Mặt khác, việc hiệp thương giá phải có đơn của 2 doanh nghiệp có yêu cầu và 2 doanh nghiệp tự xác định cơ quan đề nghị hiệp thương phù hợp. Trong trường hợp cách hiểu của 2 doanh nghiệp về ngành, lĩnh vực quản lý có sự khác nhau thì việc xác định cơ quan có thẩm quyền hiệp thương sẽ có xung đột, mâu thuẫn.

Đề nghị sửa đổi, bổ sung để làm căn cứ phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm hiệp thương giá như đã nêu.

6.Về đăng ký hành nghề thẩm định giá (Điều 45)

Điểm b, Khoản 1, Điều 45 dự thảo Luật về điều kiện đăng ký hành nghề thẩm định giá của người có thẻ thẩm định viên về giá đã được tiếp thu, giải trình, chỉnh lý trong dự thảo Luật (sửa đổi) theo hướng: Quy định phải là hợp đồng không xác định thời hạn cũng là một trong những nội dung, biện pháp nhằm tăng cường trách nhiệm, giảm thiểu sai phạm, rủi ro trong hành nghề. Tôi thấy quy định như vậy là chưa phù hợp thực tiễn. Việc tăng cường trách nhiệm, giảm thiểu tai nạn, rủi ro trong hành nghề nên được chú trọng bằng quy định cụ thể trong Luật và các văn bản dưới Luật, ở khâu đào tạo chứng chỉ, cấp thẻ thẩm định viên. Quy định như dự thảo Luật về điều kiện “có hợp đồng lao động không xác định thời hạn” sẽ làm hạn chế cơ hội hành nghề của người có thẻ thẩm định viên về giá. Do đó, tôi đề nghị sửa đổi điều kiện quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 45 theo hướng chỉ cần có hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.

7. Về điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá

Dự thảo đánh giá cho rằng, các quy định hiện hành về điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá đang quá “mở”, khiến cho việc thành lập và cấp phép hoạt động của các doanh nghiệp thẩm định giá trở nên dễ dàng, các doanh nghiệp thẩm định giá có chất lượng dịch vụ không tốt, cạnh tranh bằng cách hạ giá dịch vụ. Do đó, Dự thảo xây dựng theo hướng nâng cao điều kiện được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá.

Qua nghiên cứu nội dung Điều 49 và Điều 51 Dự thảo, tôi boăn khoăn về việc đặt ra yêu cầu về điều kiện kinh doanh khắt khe hơn đối với doanh nghiệp thẩm định giá (như tăng số lượng thẩm định viên về giá trong doanh nghiệp, yêu cầu các thành viên góp vốn đều là thẩm định viên về giá hay đặt ra điều kiện đối với người đại diện theo pháp luật) là chưa đủ bằng chứng là sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp, trong khi chịu trách nhiệm cho chất lượng của Báo cáo thẩm định vẫn là cá nhân thẩm định viên về giá. Điều này có thể dẫn đến tình trạng số lượng doanh nghiệp thẩm định giá sẽ bị thu hẹp lại, tác động đáng kể đến thị trường cạnh tranh và quyền lựa chọn của khách hàng.

8. Về Quỹ bình ổn xăng dầu

Tôi cho rằng, trong điều kiện hiện nay khi mà thị trường xăng dầu của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường, còn có sự điều hành của Nhà nước; lượng dự trữ xăng dầu của Việt Nam còn mỏng; công tác quản lý điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn thông qua giá cơ sở thì việc tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu là cần thiết nhằm thực hiện tốt vai trò “điều hòa”, góp phần giảm tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu, giảm biên độ biến động giá, từ đó giảm thiểu các tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

9.  Việc xác định giá đối với sản phẩm dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước

Hiện nay một số sản phẩm dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước khó xác định để phù hợp với mặt bằng thị trường, nhất là việc tính lợi nhuận của các đơn vị sự nghiệp tự chủ về tài chính trong phương án giá. Do vậy, cần có quy định về phương pháp định giá hàng hóa, dịch vụ.

Trên đây là một số ý kiến của tôi về tiếp tục tham gia vào dự thảo Luật Giá (sửa đổi).

Xin cảm ơn Quốc hội.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    370 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.268.290
    Trong năm: 976.101
    Trong tháng: 88.956
    Trong tuần: 17.970
    Trong ngày: 190
    Online: 23