Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng 10/11/2022, tại Nhà Quốc hội, dưới dự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội Biểu quyết thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đồng thời tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên thảo luận.

Tại phiên thảo luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa có ý kiến phát biểu của đại biểu Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh. Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đại biểu Mai Văn Hải.

Đại biểu Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận tại hội trường

Kính thưa Chủ tọa phiên họp,

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Trước hết, tôi thống nhất rất cao với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012. Các nội dung sửa đổi tôi thấy đã cơ bản giải quyết được nhiều vấn đề bất cập từ thực tiễn hoạt động của hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012 và cũng đã cụ thể hóa được khá nhiều các chủ trương, đặc biệt là những chính sách của Nghị quyết Trung ương 5 về tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Tôi cũng rất đồng tình với các đại biểu đã phát biểu trước tôi về tên luật là Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Sau đây tôi xin có thêm một số ý kiến như sau:

Vấn đề thứ nhất, về quyền của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân, tôi đề nghị cần phải cân nhắc thêm việc quy định cho tổ chức kinh tế hợp tác có hoạt động tín dụng nội bộ. Bởi vì đây là một tổ chức hoạt động mang ý nghĩa tương trợ, giúp đỡ các thành viên của hợp tác là chính và gần như hoạt động với mục đích phi lợi nhuận. Hoạt động tín dụng nội bộ này hoàn toàn khác với các quỹ tín dụng nhân dân và không bị điều chỉnh bởi quy Luật Quỹ tín dụng nhân dân. Trên thực tế thấy rằng hoạt động tín dụng nội bộ của hợp tác xã năm theo luật năm 2012 cũng đã có quy định, song trong báo cáo đánh giá tổng kết thành luật tôi thấy chưa đề cập đến vấn đề này. Trên thực tế đến năm 2017 thì hoạt động tín dụng nội bộ này không có quy định và hướng dẫn, bởi vì Thông tư 06, sau đó là Thông tư 04 đã hết hiệu lực. Theo tôi vấn đề này cần phải tính toán. Bởi vì, không có hành lang cơ sở pháp lý của các hoạt động tín dụng nội bộ.

Trên thực tế, tôi thấy các địa phương thì hoạt động tín dụng nội bộ của các hợp tác xã là rất ít hợp tác xã có hoạt động này. Hoạt động tín dụng nội bộ của các hợp tác xã không phải đơn thuần vì mục đích tương trợ, hỗ trợ cho các thành viên trong hợp tác xã mà có thể vượt ra khỏi phạm vi hoạt động của các thành viên, cũng vì mục đích lợi nhuận là chính chứ không phải vì mục đích phi lợi nhuận là chính. Vấn đề này, tôi đề nghị chúng ta nên xem xét có nên quy định cho hoạt động tín dụng nội bộ trong hợp tác xã hay không.

Có rất nhiều đại biểu có ý kiến về nội dung chính sách của Nhà nước về phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác. Đây là những nội dung hết sức quan trọng được quy định tại Điều 19. Qua đánh giá hơn 9 năm thực hiện Luật Hợp tác xã (năm 2012) trong báo cáo đánh giá rất cụ thể, rõ ràng. Có khoảng 17 chính sách đối với hợp tác xã. Bên cạnh những mặt đạt được thì phần nhiều là các chính sách các hợp tác xã rất khó tiếp cận, thậm chí có những chính sách hợp tác xã không tiếp cận được. Lần này, tôi đề chúng ta cần phải rà soát lại. Trong dự thảo luật, tại Điều 19 có tới 39 nhóm chính sách, tăng hơn gấp đôi so với quy định của Luật năm 2012, như thế rất dàn trải. Theo tôi nhiều chính sách chưa hẳn là tốt, có khi tạo sức ì cho hợp tác xã. Đề nghị nên rà soát lại và tập trung để tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện chính sách của luật năm 2012 để làm sao hợp tác xã dễ tiếp cận nhất, thúc đẩy phát triển hoạt động của hợp tác xã. Theo tôi có mấy chính sách cần quan tâm.

Thứ nhất, chúng ta cần phải quan tâm về chính sách phát triển nguồn nhân lực, đổi mới mô hình quản trị hợp tác xã.

Thứ hai, tháo gỡ chính sách về đất đai.

Thứ ba, tháo gỡ chính sách về tín dụng để làm sao các tổ chức hợp tác, nhất là hợp tác xã tiếp cận dễ dàng hơn với các nguồn vốn tín dụng.

Thứ tư, chính sách về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Thứ năm là chính sách về thuế, phí, lệ phí. Theo tôi nên tập trung vào để hỗ trợ cho sự phát triển hợp tác xã. Tôi đề nghị nên quy định chính sách theo hai nhóm: Một là đối với hợp tác xã nông nghiệp và hai là đối với hợp tác xã phi nông nghiệp, không thể lẫn lộn 2 loại hình hợp tác xã này được. Bởi vì 2 loại hình hợp tác xã này tính chất, hoạt động hoàn toàn khác nhau nên, theo tôi chính sách cũng phải quy định tương ứng hai loại hình hợp tác xã như vậy.

Vấn đề thứ ba, quy định về điều kiện trở thành thành viên của hội đồng quản trị, Ban kiểm sát và kiểm soát viên, Giám đốc, Tổng giám đốc và kế toán theo quy định tại Điều 46. Trong đây có quy định "Tổng giám đốc, Giám đốc, Trưởng Ban kiểm soát, kiểm soát viên, kế toán trưởng, người làm kế toán phải có trình độ chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn". Theo tôi, đây là rất đúng, xong việc quy định cần phải có chứng chỉ bồi dưỡng về tổ chức kinh tế hợp tác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo tôi không nên quy định. Bởi vì đây là tổ chức kinh tế hợp tác, chúng ta phải tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Nếu chúng ta quy định có thêm một chứng chỉ thế này, vô hình trung nó sẽ kìm hãm việc thành lập cũng như sự phát triển hợp tác xã. Theo tôi đề nghị bỏ ý này.

Vấn đề thứ tư, tôi rất đồng tình với ý kiến của một số đại biểu đã phát biểu trước tôi, đó là về Liên đoàn Hợp tác xã. Theo tôi nên cân nhắc và cá nhân tôi đề nghị thời điểm này chúng ta chưa nên quy định trong luật đối với hoạt động của liên đoàn hợp tác xã. Bởi vì thực tế chúng ta chưa có hoạt động của Liên đoàn Hợp tác xã, mới có một mô hình ở Hiệp Hòa, Bắc Giang, như trong báo cáo đã nêu đánh giá tổng kết Luật Hợp tác xã năm 2012, trên thực tiễn là chưa có. Theo tinh thần Nghị quyết 20 về về đổi mới kinh tế hợp tác mới đề ra mục tiêu để phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mà trong đó nòng cốt là hợp tác xã, hoàn toàn chưa đề cập đến liên đoàn hợp tác xã. Cho nên, việc chỉ căn cứ vào kinh nghiệm quốc tế để đề xuất quy định đối với liên đoàn hợp tác xã theo tôi cần phải cân nhắc lại.

Xin hết ý kiến.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


Tin cùng chuyên mục

 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    370 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.290.896
    Trong năm: 979.848
    Trong tháng: 90.109
    Trong tuần: 23.519
    Trong ngày: 2.092
    Online: 105