Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 27/10/2022, tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (trong đó có Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2023-2025, tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý).
Tại phiên thảo luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa có ý kiến phát biểu của đại biểu Mai Văn Hải, Tỉnh Ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh. Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đại biểu Mai Văn Hải.
Đồng chí Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận tại hội trường
Kính thưa Chủ tọa phiên họp,
Kính thưa Quốc hội,
Thưa toàn thể cử tri,
Năm 2002, bên cạnh những thuận lợi, đất nước ta gặp không ít khó khăn, thử thách khó lường như trong báo cáo đã nêu. Những khó khăn đó đã ảnh hưởng rất lớn tới tình hình sản xuất, đời sống của người dân và doanh nghiệp. Ảnh hưởng lớn tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, sự nỗ lực, cố gắng của người dân và doanh nghiệp, chúng ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, phấn đấu vươn lên đạt được nhiều thành tích, kết quả. Có nhiều kết quả nổi bật, điển hình như tốc độ tăng trưởng cao, ước cả năm đạt 8%, vẫn kiểm soát được lạm phát. Dự kiến 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra. Các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của đất nước được ổn định. Những kết quả nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh đặt trong bối cảnh điều kiện rất khó khăn càng cho chúng ta thấy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội là hoàn toàn đúng đắn, linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ. Để tiếp tục làm rõ thêm một số nội dung trong báo cáo, tôi xin có một số ý kiến như sau:
Một là, về Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết 43 về chính sách tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11 về Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Các bộ, ngành đã khẩn trương tham mưu, ban hành các văn bản như nghị định của Chính phủ, thông tư, quyết định, văn bản hướng dẫn để thực hiện cụ thể hóa các chủ trương, chính sách. Tính đến ngày 28/9/2022, thực hiện các chính sách hỗ trợ của chương trình đã đạt được hơn 61.000 tỷ đồng, chiếm 20,2% tổng số vốn của chương trình thông qua vay ưu đãi, qua Ngân hàng Chính sách, hỗ trợ thuê nhà, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, hỗ trợ lãi suất 2%, gia hạn các loại thuế, tiền thuê đất.
Việc thực hiện các chính sách của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế đã có tác dụng rất lớn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vươn lên phục hồi sản xuất, kinh doanh và có đóng góp trở lại rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, cũng còn một số tồn tại, một số chính sách triển khai còn chậm như chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, đến nay mới chỉ giải ngân được trên 13,5 tỷ đồng, bằng 0,03% so với tổng số vốn của chương trình.
Việc thực hiện chính sách đầu tư phát triển còn chậm, đặc biệt là chính sách đầu tư cho y tế, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Tôi đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo sớm hoàn thiện tất cả các văn bản còn lại để hướng dẫn thực hiện chương trình. Chú trọng kịp thời tháo gỡ khó khăn cho việc triển khai thực hiện các dự án, nhất là thủ tục hành chính trong việc chuẩn bị đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng, biến động giá cả vật liệu. Đề nghị rà soát lại các chính sách, chính sách nào chậm triển khai, khó đi vào cuộc sống thì cần xem xét điều chỉnh sang chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển khác cho phù hợp.
Vấn đề thứ hai là về quy hoạch. Như chúng ta đã biết, quy hoạch có một vị trí rất quan trọng, quy hoạch phải đi trước một bước trong tất cả các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Quốc hội đã thực hiện giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành tại kỳ họp thứ 3 và đã ban hành Nghị quyết số 61 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030. Theo báo cáo của Chính phủ, đến nay có 43 quy hoạch tỉnh đã được lập xong, 1 quy hoạch đã được phê duyệt, 8 quy hoạch tỉnh được thẩm định xong đang hoàn thiện để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt, 34 quy hoạch đã gửi xin ý kiến và chuẩn bị thẩm định. Ngoài quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2022-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được phê duyệt, còn lại 5 quy hoạch vùng mới được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch. Quy hoạch tổng thể quốc gia mới được Hội nghị Trung ương 6 ban hành kết luận về định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Như vậy mục tiêu theo tinh thần Nghị quyết 61 Quốc hội khóa XV tiến độ để hoàn thành trong năm 2022 theo tôi là không thể đạt được, bên cạnh tiến độ thì chất lượng các quy hoạch cũng là vấn đề đặt ra. Trong lúc chúng ta lập đồng thời các quy hoạch thì việc chồng chéo, mâu thuẫn, chất lượng lập quy hoạch hạn chế là khó tránh khỏi. Quốc hội đã phê chuẩn quy hoạch sử dụng đất quốc gia là một quy hoạch rất quan trọng, là cơ sở bố trí nhu cầu sử dụng đất cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Căn cứ vào quy hoạch, Chính phủ đã phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương, nhất là đất dành cho các khu công nghiệp, đất dành cho giao thông còn thấp hơn nhiều so với nhu cầu dự kiến. Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ sớm xem xét, điều chỉnh tăng thêm đất dành cho khu công nghiệp, đất giao thông để đáp ứng cơ bản nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, chất lượng lập quy hoạch theo tinh thần Nghị quyết 61 của Quốc hội.
Vấn đề thứ ba, về việc cử tri phản ánh một bộ phận người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thiếu đất sản xuất, thiếu đất ở. Đây là vấn đề không phải mới nhưng là vấn đề tồn tại, kéo dài, chưa được giải quyết. Cử tri và Nhân dân đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều ý kiến bức xúc, đề nghị giải quyết. Tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo xem xét, giải quyết dứt điểm vấn đề này để tránh tình trạng các công ty nông, lâm nghiệp sử dụng đất bằng hình thức phát canh thu tô, người dân thì thiếu đất ở, thiếu đất sản xuất.
Tôi xin hết ý kiến. Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.