Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV chiều ngày 22/10/2022, tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc Định, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tại phiên thảo luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa có ý kiến phát biểu của đại biểu Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh. Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đại biểu Mai Văn Hải.

Đồng chí Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV

Kính thưa Chủ tọa phiên họp,

Kính thưa Quốc hội,

Dự án luật trình Quốc hội lần này để thảo luận và xem xét thông qua tại kỳ họp này, tôi thấy rằng đã tiếp thu rất đầy đủ các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học, các chuyên gia.

Để tiếp tục hoàn thiện dự án luật này, tôi xin có một số ý kiến như sau:

Vấn đề thứ nhất, quy định về nội dung chính quyền địa phương cấp xã phải công khai. Theo quy định tại Điều 11 là hàng quý, 6 tháng, hàng năm cấp xã phải công khai và thuyết minh về dự toán ngân sách. Theo tôi đề xuất là nên cân nhắc lại điều này. Công khai như thế thì hơi nhiều, làm mất thời gian và cũng tốn kém đối với cơ sở, bởi vì trên thực tế có những xã, nhất là những xã vùng miền núi, vùng khó khăn, việc thực hiện dự toán hàng quý, nhất là dự toán thu có lẽ đang rất ít, cho nên việc công khai nhiều như thế này cũng là hình thức. Theo tôi đề xuất nên công khai 6 tháng và hằng năm là phù hợp.

Thứ hai, quy định về đề xuất nội dung để Nhân dân bàn và quyết định. Theo tôi nên xem xét việc quy định phải có 10% hộ gia đình đồng thuận thì mới đưa ý kiến, sáng kiến của người dân ra bàn. Tôi nghĩ tại sao lại 10%, không phải 5%, không phải 15% hay 20%. Theo tôi quy định như thế này người dân sẽ rất ít đề xuất hoặc thậm chí sẽ không đề xuất sáng kiến của mình đối với thôn, cộng đồng dân cư. Theo tôi chỉ cần quy định những ý kiến của người dân có thể đem lại lợi ích cho cộng đồng dân cư, phù hợp với các quy định của pháp luật, được Ban công tác Mặt trận ở thôn, khu phố thống nhất thì vấn đề này có thể đưa ra bàn trong cộng đồng dân cư để xem xét, quyết định.

Thứ ba, quy định về hình thức như dân bàn và quyết định được quy định tại Điều 17, trong dự thảo đang quy định có 3 hình thức.

Hình thức thứ nhất, chúng ta tổ chức họp dân.

Hình thức thứ hai, phát phiếu.

Hình thứ thứ ba, bằng hình thức trực tuyến. Tôi đề xuất nên quy định hình thức bắt buộc phải tổ chức họp thôn, tổ dân phố. Còn lại 2 hình thức theo tôi không nên quy định bắt buộc. Hình thức phát phiếu, đây là hình thức tốn nhiều thời gian và gây khó khăn cho tổ thực hiện nhiệm vụ phát phiếu, nhất là những địa bàn đông dân ở miền núi sẽ rất khó khăn, việc giám sát trong vấn đề phát phiếu, kiểm phiếu, đánh giá kết quả nếu như thế thì rất dễ sai và không chính xác, dễ gây sự hiểu nhầm. Cho nên, hình thức phát phiếu theo tôi đề xuất chỉ áp dụng khi cuộc họp dân có tỷ lệ người dân tham gia không đảm bảo theo quy định hay chỉ phát cho những người già yếu, ốm đau không thể tham dự họp được. Theo tôi như thế sẽ phù hợp hơn.

Hình thức lấy phiếu bằng hình thức trực tuyến, nghe là hay nhưng thực thi hơi khó. Trên địa bàn thôn, bản thì không nên áp dụng hình thức này. Trong khi đó quy định là chỉ áp dụng cho việc xin ý kiến trong nội bộ nhân dân theo quy định tại khoản 6 Điều 15, tôi nghĩ rằng như thế cũng nên cân nhắc, theo tôi là không nên quy định.

Vấn đề thứ ba là quy định về tổ chức họp thôn, tổ dân phố. Tại khoản 3 quy định "trường hợp tổ dân phố có từ 200 hộ trở lên hoặc địa bàn dân cư sinh sống không tập trung thì có thể tổ chức cuộc họp theo từng cụm dân cư". Vấn đề chia cụm dân cư tôi hoàn toàn đồng ý, nhưng vấn đề trưởng thôn ủy quyền cho một thành viên của Ban Công tác Mặt trận hoặc một người có uy tín để chủ trì cuộc họp ở khu vực đó thì tôi nghĩ vấn đề này cần phải cân nhắc lại. Thế nào là người có uy tín trong cộng đồng dân cư, trong luật chưa quy định. Tôi nghĩ rằng dù chia cụm thì cũng nên để cho trưởng thôn chủ trì hội nghị. Bởi vì, nói thế thôi nhưng khi trưởng thôn chủ trì hội nghị thì người ta thấy được ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc họp đó. Thứ hai, trưởng thôn là những người nắm rất chắc những vấn đề cần đưa ra để xin ý kiến Nhân dân, trưởng thôn giải thích cho Nhân dân hiểu thì kết quả cuộc họp chắc chắn sẽ tốt hơn rất nhiều. Theo tôi đề xuất là phân cụm nhưng trách nhiệm vẫn là trưởng thôn chủ trì.

Vấn đề cuối cùng, đó là quy định về tổ chức của Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn. Trong khoản 1 Điều 36 có quy định là "Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn gồm các thành viên được bầu từ các thôn, tổ dân phố trên địa bàn cấp xã, số lượng thành viên Ban thanh tra nhân dân tương ứng với số lượng thôn, tổ dân phố trên địa bàn cấp xã nhưng không ít hơn 5 người". Theo tôi vấn đề này cũng cần phải xem xét lại. Bởi vì trên thực tế, khi chúng ta thực hiện sáp nhập thôn, bản theo Thông tư 04 và nhất là những nơi làm theo Thông tư 09 có rất nhiều đơn vị chỉ có 3-4 thôn. Bây giờ quy định là ít nhất phải là 5 thành viên thì tôi nghĩ rằng sẽ không phù hợp. Theo tôi đề xuất ít nhất là 3 thành viên cho phù hợp, cũng nên quy định giới hạn số lượng tối đa. Theo quy định của Luật Thanh tra năm 2010 thì tối đa số lượng thành viên Ban thanh tra nhân dân là 11 người. Lần này ta cũng có thể quy định tối đa là 11 người, thậm chí có thể quy định tối đa là 9 người. Tôi nghĩ rằng nên quy định như thế sẽ phù hợp.

Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


Tin cùng chuyên mục

 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    370 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.312.720
    Trong năm: 981.219
    Trong tháng: 87.733
    Trong tuần: 21.805
    Trong ngày: 2.102
    Online: 62