Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 3, sáng ngày 13/6/2022, tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa có ý kiến phát biểu của đại biểu Lê Văn Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đại biểu Lê Văn Cường.

Đại biểu Lê Văn Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Kính thưa Chủ tọa phiên họp,

Kính thưa Quốc hội,

Ssau khi nghiên cứu dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các tài liệu liên quan, tôi xin phép có một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, tôi cho rằng đánh giá năng lực người hành nghề là một trong những điểm mới nhất của dự thảo luật lần này. Đây là kỳ sát hạch không có tính cạnh tranh nhưng cần đảm bảo chất lượng, tránh hình thức, tránh quá tải cho Hội đồng Y khoa quốc gia và các cơ sở y tế. Do đó, tôi xin có hai ý kiến như sau:

Một là lộ trình đánh giá năng lực người hành nghề ở khoản 1 Điều 103 trước năm 2035 chỉ nên tập trung đánh giá năng lực hành nghề ba chức danh là bác sĩ, điều dưỡng và hộ sinh, vì ba chức danh này chiếm khoảng 80% tổng số nhân lực trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và đáp ứng hầu hết nhu cầu khám, chữa bệnh cơ bản của người dân. Chức danh kỹ thuật viên trong lĩnh vực xét nghiệm chiếm gần 10%, nên chuẩn hóa năng lực bằng các công cụ quản lý chất lượng đạt chuẩn quốc tế mà các cơ sở y tế đã và đang sử dụng như ISO, CIP, các chức danh còn lại khoảng 10% sẽ đánh giá sau năm 2035. Hai là cần bổ sung một khoản như sau: nội dung chương trình, ngân hàng đề thi để đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh được cập nhật công bố công khai và truy cập miễn phí.

Thứ hai, cập nhật kiến thức y khoa liên tục, hiện nay chỉ có khoảng 43,6% người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đảm bảo thời gian cập nhật kiến thức y khoa liên tục theo quy định, phần lớn là ở các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương. Việc tham gia các hình thức cập nhật kiến thức y khoa liên tục như quy định ở khoản 2 Điều 23 của dự thảo luật là thách thức đối với tuyến khám, chữa bệnh ban đầu do quá tải công việc, khoảng cách địa lý, điều kiện kinh tế, v.v.. Về nội dung này tôi có 2 ý kiến như sau:

Một là, cần quy định Hội đồng y khoa Quốc gia có trách nhiệm xây dựng chương trình, ngân hàng câu hỏi liên quan đến cập nhật kiến thức y khoa liên tục. Các tài liệu này được cập nhật công bố công khai và truy cập miễn phí.

Hai là, cần bổ sung thêm một hình thức cập nhật kiến thức y khoa liên tục rất quan trọng đó là tự học, vì việc này sẽ giúp các cơ sở y tế có giải pháp khuyến khích nhân viên y tế chủ động tự học, tự đào tạo, tích cực học hỏi qua các thực tiễn công việc hằng ngày, cung cấp khoảng 70% lượng kiến thức phục vụ cho quá trình hành nghề.

Thứ ba, về một số điều, khoản liên quan đến nhân lực tại trạm y tế và các bệnh viện huyện. Hiện nay trên cả nước có gần 2.000 trạm y tế dùng không có bác sĩ. Sau ngày 1/1/2025, dự thảo luật quy định sẽ không cấp giấy phép hành nghề cho khối y sĩ dân sự. Việc thu hút bác sĩ được đào tạo chính quy về tuyến xã sẽ vô cùng khó khăn cả hiện tại và tương lai. 10 năm tới sẽ có những huyện không còn bác sĩ ở trạm y tế, ảnh hưởng đến nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân tại cơ sở. Các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến Trung ương hiện nay cũng đang quá tải, gặp rất nhiều khó khăn về nhân lực, về thuốc, vật tư, thiết bị y tế và tài chính. Tôi cho rằng các bệnh viện này chỉ đủ nguồn lực để đào tạo nhân lực và hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa cho một số lượng không nhiều trạm y tế trên cả nước.

Về nội dung này, tôi có 3 ý kiến như sau:

Một là, ở khoản 2 Điều 29 quy định: người hành nghề được đăng ký hành nghề tại nhiều cơ sở nhưng không được trùng thời gian làm việc giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Tôi đề nghị ở phần Nghị định cần quy định chi tiết các biện pháp thi hành thuận lợi cho điều phối nhân lực, thanh toán bảo hiểm y tế và thực hiện chế độ, chính sách cho nhân viên y tế khi đăng ký làm việc tại nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Điều này sẽ thuận lợi cho bác sĩ ở trạm y tế có thể đăng ký khám, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện tới 50% thời gian để nâng cao trình độ. Ngược lại, bác sĩ ở bệnh viện huyện có thể đăng ký khám, chữa bệnh tại trạm y tế xã 50% thời gian để đáp ứng nhu cầu có bác sĩ giỏi của người dân tại trạm y tế. Vấn đề này, đại biểu Phạm Như Hiệp đã đề cập tại cuộc họp toàn thể lần thứ sáu của Ủy ban Xã hội về mô hình bác sĩ gia đình tại Nhật Bản.

Hai là, Điều 87 trong dự thảo luật quy định nhiều chính sách về đào tạo, bồi dưỡng người hành nghề, tôi kiến nghị cần bổ sung thêm chính sách miễn tiền học phí và hỗ trợ chi phí toàn khóa học đối với hệ bác sĩ đa khoa chính quy đăng ký công tác khám, chữa bệnh tại tuyến cơ sở. Tôi cũng kiến nghị cần tăng chỉ tiêu đào tạo, tăng số lượng biên chế và thực hiện thêm nhiều chính sách để trong 10 năm tới chúng ta thu hút khoảng 10.000 bác sĩ cho 650 bệnh viện tuyến huyện, nơi đang đáp ứng khoảng 60% tổng số lượt khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc, vừa giúp nâng cao năng lực của bệnh viện huyện, vừa giải quyết tình trạng thiếu hụt trầm trọng bác sĩ tại trạm y tế trong tương lai.

Ba là, Điều 18 quy định các chức danh cần cấp giấy phép hành nghề. Tôi kiến nghị cần bổ sung chức danh bác sĩ y học dự phòng, cử nhân y tế công cộng là đối tượng được cấp phép hành nghề, thực hiện chức năng khám bệnh, chữa bệnh tại trạm y tế xã với sự hỗ trợ từ xa của các bác sĩ tuyến trên. Với điểm đầu vào cao và chương trình đào tạo như hiện nay, sau khi tốt nghiệp họ có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ của trạm y tế như: Y tế dự phòng, thống kê và quản lý thông tin y tế, quản lý bệnh mãn tính, hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa v.v. đây cũng là ý kiến của cử tri tỉnh Bắc Kạn gửi đến kỳ họp thứ 2 được đăng tải trên app Quốc hội.

Cuối cùng, tôi đề nghị dự thảo luật cần bổ sung 1 điều quy định cụ thể điều kiện hoạt động của hình thức khám, chữa bệnh rất quan trọng nhưng dường như đang bị lãng quên hiện nay, đó là hệ thống cấp cứu ngoại viện. Điều này giúp thể chế hóa quan điểm của Đảng trong Nghị quyết 20 về nâng cao năng lực cấp cứu tại cộng đồng và ngoài bệnh viện, giải quyết vấn đề thực tiễn hiện nay người bệnh cấp cứu rất khó tiếp cận với hệ thống cấp cứu 115, do các đơn vị này đang gặp nhiều khó khăn, chủ yếu làm nhiệm vụ vận chuyển, cấp cứu, không có điều phối và gần như không thực hiện được chức năng cấp cứu tại thực địa. Đây cũng là nguyện vọng của đông đảo cử tri trong số 45 ý kiến kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh về lĩnh vực y tế được đăng tải trên phần mềm Quốc hội, có tới 20% cử tri kiến nghị cần phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện.

Tôi xin hết ý kiến. Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội!


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


Tin cùng chuyên mục

 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    367 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.210.827
    Trong năm: 983.805
    Trong tháng: 96.984
    Trong tuần: 25.470
    Trong ngày: 3.144
    Online: 55