Chiều ngày 30/5/2022, Quốc hội thảo luận về Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành. Tại phiên thảo luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa có ý kiến phát biểu của đại biểu Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa. Cổng Thông tin điện tử của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đại biểu Mai Văn Hải.

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội,

Kính thưa toàn thể cử tri,

Trước hết, tôi thống nhất cao với Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát Quốc hội về thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành. Đây là chuyên đề giám sát tối cao rất quan trọng của Quốc hội. Chuyên đề giám sát lần này thể hiện được sự đổi mới của Quốc hội ngay từ đầu nhiệm kỳ để nâng cao chất lượng giám sát chuyên đề. Việc lựa chọn nội dung, thời điểm giám sát và tính kịp thời trước những vấn đề đang gặp khó khăn, vướng mắc ngay trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch là điểm mới trong nội dung giám sát. Điều này sẽ có tác động rất tốt để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc về thể chế cũng như các giải pháp để thúc đẩy tiến độ và nâng cao chất lượng quy hoạch.

Theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017 thì quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để chúng ta lập quy hoạch không gian biển, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên cả nước. Đây là những vấn đề rất khó khăn khi chúng ta triển khai thực hiện lập quy hoạch lần đầu theo quy định. Nghị quyết 751 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để các bộ, ngành, địa phương tiến hành đồng thời các quy hoạch cùng với quy hoạch tổng thể quốc gia, tôi cho đây là vấn đề rất quan trọng và phù hợp với thực tiễn. Nếu sẽ kéo dài thời gian lập quy hoạch sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của các vùng, các ngành và địa phương.

Chúng ta cũng khẳng định đây là những vấn đề lớn và rất khó khăn, lần đầu tiên chúng ta tiến hành lập quy hoạch tích hợp đa ngành. Cách hiểu về nội dung tích hợp, thứ tự lập quy hoạch cũng còn nhiều khác nhau giữa các bộ, ngành và địa phương. Qua giám sát cho thấy Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nhiều nỗ lực trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc lập quy hoạch.

Song giám sát cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, nhất là những nguyên nhân chủ quan của việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch, các văn bản liên quan đến các quy hoạch khác, các văn bản liên quan đến Luật Đất đai v.v.. Còn nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn ban hành còn chậm, chưa kịp thời, còn chồng chéo, nhất là việc hướng dẫn thi hành luật, hướng dẫn lập quy hoạch tích hợp v.v. làm cho nhiều địa phương rất lúng túng trong lập quy hoạch, ảnh hưởng tới tiến độ cũng như là chất lượng của quy hoạch. Đến nay, mới có 7/111 quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt, 108/111 quy hoạch đã được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch. Như vậy, tiến độ so với yêu cầu đặt ra là rất chậm. Không những chậm về tiến độ mà chất lượng các quy hoạch cũng là vấn đề bản thân tôi thấy rất băn khoăn, do lần đầu chúng ta lập quy hoạch tích hợp, trong khi hướng dẫn thì chưa cụ thể. Cách hiểu còn nhiều khác nhau, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành quốc gia chưa xong.

Việc lựa chọn các đơn vị tư vấn còn gặp nhiều khó khăn, năng lực đơn vị tư vấn, kinh nghiệm chưa có nhiều. Có đơn vị tư vấn làm nhiều quy hoạch cùng một lúc, như thế đặt ra câu hỏi liệu các đơn vị tư vấn có đủ khả năng, năng lực để lập quy hoạch có chất lượng và đảm bảo tiến độ đến 31/12/2022 hay không? Đây là vấn đề bản thân tôi thấy còn băn khoăn, đề nghị Chính phủ cân nhắc thêm về tiến độ để đảm bảo quy hoạch được lập với chất lượng tốt. Một mặt nữa, do chúng ta tiến hành lập quy hoạch đồng thời nên việc đảm bảo sự phù hợp giữa các quy hoạch tỉnh với quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tổng thể quốc gia là vấn đề rất khó khăn. Việc mâu thuẫn giữa các quy hoạch cấp dưới với quy hoạch cấp trên là khó tránh khỏi. Vấn đề đặt ra là nếu phải điều chỉnh quy hoạch cấp dưới cho phù hợp với quy hoạch cấp trên thì quy định như luật hiện hành sẽ rất khó khăn, mất nhiều thời gian vì không có quy định điều chỉnh cục bộ. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức thực hiện quy hoạch mà phải điều chỉnh cục bộ.

Từ những vấn đề nêu trên, tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương có liên quan cần tập trung khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế trong công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm có hướng dẫn cụ thể để việc lập quy hoạch tích hợp đa ngành, tháo gỡ những khó khăn trong lựa chọn tư vấn quy hoạch bổ sung quy định về điều chỉnh cục bộ quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch chung xây dựng nông thôn và quy hoạch chi tiết điểm khu dân cư nông thôn. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm, quyết liệt trong việc lập các quy hoạch thuộc trách nhiệm của mình đã được Chính phủ giao. Tập trung, sớm hoàn thiện quy hoạch tổng thể quốc gia để định hướng không gian phát triển quốc gia làm cơ sở cho việc lập các quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh.

Xin hết ý kiến. Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội!


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


Tin cùng chuyên mục

 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    367 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.210.571
    Trong năm: 983.549
    Trong tháng: 96.984
    Trong tuần: 25.470
    Trong ngày: 2.888
    Online: 76