Ban Biên tập Cổng Thông tin điện tử của Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh xin phép đăng toàn văn bài phát biểu của đại biểu Quốc hội Võ Mạnh Sơn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp năm 2020.

Kính thưa Chủ trì kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội,

Qua nghiên cứu quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 và thực tiễn áp dụng thực hiện Luật doanh nghiệp năm 2020 tại các doanh nghiệp, tôi xin có một số ý kiến cụ thể sau đây:

Thứ nhất, về việc ký biên bản họp Hội đồng thành viên, quy định tại điểm e khoản 2 Điều 60 Luật Doanh nghiệp năm 2020. Qua nghiên cứu Luật Doanh nghiệp năm 2020, tôi thấy theo quy định tại khoản 3 Điều 60 và khoản 2 Điều 158 Luật Doanh nghiệp thì việc chủ tọa, người ghi biên bản từ chối ký biên bản họp Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, nhưng nếu được tất cả các thành viên của Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị tham dự ký biên bản và có hiệu lực. Điểm e khoản 2 Điều 60 Luật Doanh nghiệp năm 2020 cũng quy định biên bản họp Hội đồng thành viên phải bao gồm họ, tên, chữ ký và nội dung ý kiến của người họp không đồng ý thông qua biên bản họp (nếu có). Tuy nhiên, trên thực tế thành viên không đồng ý thông qua biên bản họp thường kỳ sẽ không hợp tác, không chịu ký tên vào các biên bản họp, dẫn đến phiên bản không đảm bảo nội dung chủ yếu theo quy định của luật và không có hiệu lực. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thẩm quyền, quyết định của Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị trong điều hành, quản trị doanh nghiệp. Đây là điểm nghẽn cần tháo gỡ, do vậy tôi thống nhất cao với việc sửa đổi, bổ sung điểm e khoản 2 Điều 60 bỏ chữ ký đó là họ tên và nội dung ý kiến của người dự họp không đồng ý thông qua biên bản dự họp nếu có.

Đại biểu Quốc hội Võ Mạnh Sơn phát biểu thảo luận tại hội trường

Thứ hai, về công bố thông tin báo cáo tài chính giữa năm của doanh nghiệp nhà nước, theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 109 Luật Doanh nghiệp. Tại điểm đ khoản 1 Điều 109 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: doanh nghiệp Nhà nước phải công bố định kỳ trên trang thông tin điện tử của công ty, của cơ quan đại diện chủ sở hữu những thông tin cụ thể sau đây: báo cáo tóm tắt báo cáo tài chính giữa năm đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập, thời hạn công bố phải trước ngày 31/7 hàng năm, bao gồm cả báo cáo tài chính của công ty mẹ và báo cáo tài chính hợp nhất nếu có. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 60 Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014, khoản 1 Điều 33 Luật Kế toán và Điều 34 Luật Kiểm toán độc lập năm 2011, các doanh nghiệp nhà nước chỉ phải kiểm toán bắt buộc đối với các báo cáo tài chính hàng năm, không quy định doanh nghiệp phải thực hiện báo cáo đối với báo cáo tài chính giữa năm. Trên thực tế, các doanh nghiệp nhà nước theo quy mô nhỏ không thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính giữa năm, chỉ có một số công ty mẹ, tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuê tổ chức kế toán độc lập báo cáo tài chính giữa năm. Việc yêu cầu doanh nghiệp công bố thông tin định kỳ đối với báo cáo tài chính giữa năm đã được kiểm toán bởi các tổ chức kiểm toán theo các quy định tại điểm d khoản 1 Điều 109 Luật Doanh nghiệp năm 2020 tạo thêm gánh nặng về chi phí cho doanh nghiệp trong việc thuê các đơn vị tư vấn thực hiện kiểm toán báo cáo trước khi công bố. Tôi cho rằng, việc yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện báo cáo tài chính giữa năm theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 109 Luật Doanh nghiệp có thể gián tiếp làm giảm nguồn thu cho doanh nghiệp, cho ngân sách nhà nước hàng năm, do toàn bộ khối doanh nghiệp có thể mất đi nhiều tỷ đồng để thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính giữa năm Hơn nữa, việc yêu cầu toàn bộ doanh nghiệp nhà nước bao gồm cả những doanh nghiệp quy mô nhỏ thực hiện nhiệm vụ công ích cung cấp dịch vụ thủy lợi, thủy nông hoạt động chủ yếu không vì mục tiêu lợi nhuận phải thực hiện nhiệm vụ kiểm toán báo cáo tài chính giữa năm đã được kiểm toán bởi các tổ chức kiểm toán độc lập thực sự không cần thiết, do doanh nghiệp đã phải thực hiện báo cáo kiểm toán hàng năm theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 109 Luật Doanh nghiệp năm 2020. Do vậy, tôi thống nhất bổ sung điểm d khoản 1 Điều 109 là "báo cáo và tóm tắt báo cáo tài chính giữa năm, thời hạn công bố phải trước ngày 31/7 hàng năm, bao gồm cả báo cáo tài chính của công ty mẹ và báo cáo tài chính hợp nhất nếu có".

Thứ ba, về việc tham dự và biểu quyết tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông, quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 148 Luật Doanh nghiệp năm 2020. Theo quy định tại Điều 148 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì điều kiện để nghị quyết đại hội đồng cổ đông được thông qua dựa trên tỷ số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành. Việc xác định cổ đông dự họp lại chưa được quy định rõ. Thực tế xảy ra trường hợp cổ đông đã đăng ký và có tham gia dự họp đại hội đồng cổ đông nhưng bỏ về giữa chừng hoặc không bỏ phiếu vào hòm phiếu hoặc không biểu quyết trực tuyến, điều này dẫn đến vướng mắc trong việc xác định số cổ đông dự họp để tính tỷ lệ phiếu biểu quyết theo quy định tại Điều 148 nêu trên. Mặc dù chỉ là vấn đề kỹ thuật, song vướng mắc nêu trên lại đang gây cản trở đến việc thông qua nghị quyết tại đại hội đồng cổ đông. Do vậy, tôi thống nhất thêm cụm từ "tham dự và biểu quyết tại cuộc họp" sau cụm từ “của tất cả cổ đông” tại khoản 1 và khoản 2 Điều 148 Luật Doanh nghiệp năm 2020.

Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


Tin cùng chuyên mục

 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    370 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.290.122
    Trong năm: 979.076
    Trong tháng: 90.109
    Trong tuần: 23.519
    Trong ngày: 1.320
    Online: 137