Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa xin được đăng toàn văn bài phát biểu của Đại biểu Quốc hội Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2022-2024 (trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương).
Ảnh ĐBQH Mai Văn Hải
Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,
Kính thưa Quốc hội,
Kính thưa toàn thể cử tri và nhân dân,
Trước hết, tôi cơ bản thống nhất với Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và tôi xin có hai ý kiến như sau:
Thứ nhất, trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua, chúng ta đã phải đối mặt với đợt bùng phát dịch lần thứ tư vô cùng phức tạp, lây lan ra nhiều tỉnh, thành phố. Đến nay, dịch bệnh COVID-19 đã có ở 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước và đang diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tính mạng và sức khỏe của nhân dân. Song với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, sự chỉ đạo quyết liệt, quyết đoán, sáng tạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã đạt được những kết quả tích cực. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành đã chủ động đẩy mạnh ngoại giao vaccine, thuốc điều trị, nhiều giải pháp trong phòng, chống dịch được Chính phủ chỉ đạo kịp thời, có hiệu quả. Đến nay, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, đất nước ta đang chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19 theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ. Bên cạnh đó, công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cũng còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế như công tác dự báo tình hình dịch bệnh, công tác chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 ở một số địa phương còn lúng túng. Việc ban hành một số quy định thủ tục hành chính ở một số địa phương không nhất quán, gây khó khăn cho việc đi lại, lưu thông hàng hóa. Tỷ lệ tiêm chủng vaccine ở nhiều địa phương còn thấp. Sau đợt dịch lần thứ tư, người dân lao động sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam trở về quê đông, khó kiểm soát và quản lý, có nhiều nguy cơ lây lan, dịch bệnh phức tạp. Số ca mắc những ngày gần đây vẫn tăng, chi phí xét nghiệm còn nhiều bất cập, hạn chế. Từ những vấn đề nêu trên, tôi xin đề xuất một số vấn đề sau:
Đề nghị Chính phủ nên xem xét chỉ đạo, sớm đánh giá lại quy định tạm thời về việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch bệnh COVID-19 để có điều chỉnh phù hợp, kiểm soát tốt hơn tình hình dịch bệnh để giảm số ca mắc, giảm số ca tử vong trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay. Từ thực tế, người từ các tỉnh phía Nam trở về quê, một số người đã tiêm đủ hai mũi vaccine được cách ly tại nhà. Nhưng do điều kiện gia đình, do ý thức hạn chế nên khi nhiễm bệnh đã lây nhiễm cho người thân trong gia đình và người xung quanh dẫn đến phát sinh các ổ dịch khó kiểm soát. Từ thực tế đó, cho thấy một số người từ vùng dịch trở về dù đã tiêm đủ 2 mũi vaccine nhưng nguy cơ mang mầm bệnh rất cao. Do vậy, tôi đề nghị khuyến khích cách ly tập trung ở những nơi có điều kiện để đảm bảo phòng, chống dịch, không lây lan cho cộng đồng. Đây là thực tế cần phải nghiên cứu, điều chỉnh.
Về kinh phí cho việc xét nghiệm, sàng lọc các đối tượng có nguy cơ cao là rất lớn, nhất là tại các bệnh viện nếu như không có giải pháp thu một phần hoặc toàn bộ đối với xét nghiệm, sàng lọc các đối tượng nêu trên thì sẽ là gánh nặng cho các cơ sở khám, chữa bệnh và ngân sách địa phương.
Vấn đề thứ hai, về lĩnh vực nông nghiệp. Trong năm qua, dù cũng gặp rất nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 nhưng ngành nông nghiệp vẫn có sự tăng trưởng khá, thể hiện rõ vai trò, nền tảng, vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp cũng còn manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả sản xuất nông nghiệp còn thấp, liên kết trong sản xuất chưa bền vững. Để tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, nâng cao thu nhập cho người nông dân, tôi đề nghị trước hết cần tháo gỡ những bất cập về tích tụ đất đai, nhất là hạn mức đất nông nghiệp, đẩy nhanh quá trình tích tụ tập trung đất đai, mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đối với sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Tôi đề nghị Chính phủ xem xét, nghiên cứu, ban hành nghị quyết về tích tụ, tập trung đất đai, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời rà soát, bổ sung các cơ chế để đẩy nhanh việc thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư liên kết sản xuất với nông dân một cách bền vững để người nông dân an tâm sản xuất. Việc quản lý đất rừng của một số công ty nông, lâm nghiệp không hiệu quả kéo dài. Đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo giải quyết, sắp xếp lại các công ty nông, lâm nghiệp; rà soát, bàn giao lại một số diện tích đất ở, đất sản xuất nông nghiệp cho các địa phương quản lý để giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số ở một số địa phương.
Xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.