Buổi sáng
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Tại phiên thảo luận, đã có 30 ý kiến đại biểu phát biểu và 01 ý kiến đại biểu tranh luận. Đa số ý kiến đại biểu đánh giá cao và tán thành với nhiều nội dung trong Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; đồng thời, nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật nhằm: khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật liên quan và phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam về lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững, hiệu quả, tiệm cận với các thông lệ quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh để trở thành kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.
Toàn cảnh buổi thảo luận tại Hội trường Diên Hồng
Tham dự tại điểm cầu Thanh Hóa có Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cùng các vị ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh.
Các vị Đại biểu Quốc hội tham dự Kỳ họp tại điểm cầu Thanh Hóa
Tham gia góp ý vào Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), ĐBQH Võ Mạnh Sơn, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa cho rằng, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã được ban hành cách đây 20 năm, trong khi thị trường bảo hiểm và hội nhập quốc tế ở lĩnh vực này diễn ra rất mạnh, vì thế một số quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành không còn thống nhất, đồng bộ với Bộ Luật Dân sự năm 2015, nhất là không còn phù hợp với sự phát triển nhanh của thị trường bảo hiểm.
Thực tế cho thấy, tình trạng một số doanh nghiệp bảo hiểm cho phép nhân viên thực hiện giới thiệu, quảng bá về bảo hiểm diễn ra dưới nhiều hình thức, kể cả sử dụng công nghệ thông tin, như tin nhắn, điện thoại một cách quá mức gây bức xúc cho người tiếp nhận. Vì vậy, cần bổ sung thêm hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm là làm phiền, quấy nhiễu khách hàng dưới mọi hình thức, tuân thủ các quy định pháp luật về thông tin, truyền thông.
Đại biểu Quốc hội Võ Mạnh Sơn tham gia thảo luận tại Kỳ họp
Dự án quy định khi nhận được yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm theo quy định tại khoản 1 Điều 103, Tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản và áp dụng ngay thủ tục thanh lý tài sản của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm. Quy định này cần được xem xét ở một số vấn đề đó là: Theo quy định của Luật Phá sản 2014 thì thủ tục thanh lý tài sản của doanh nghiệp sẽ được thực hiện sau khi có quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp của Tòa án.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 103 Dự án luật thì thủ tục thanh lý tài sản lại thực hiện sau khi Tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản là chưa phù hợp.
Khoản 2 Điều 103 Dự án được hiểu là quy định thủ tục phá sản riêng biệt đối với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm so với các doanh nghiệp khác theo quy định tại Luật Phá sản 2014. Tuy nhiên, Luật Phá sản 2014 lại không quy định về trình tự riêng đối với doanh nghiệp bảo hiểm mà chỉ quy định cho tổ chức tín dụng. Như vậy, quy định này cần phải được xem xét để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật về phá sản.
Quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 117 Dự án luật quy định tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm phải đáp ứng điều kiện đã đăng ký ngành, nghề kinh doanh hoạt động đại lý bảo hiệm theo quy định của Luật Doanh nghiệp là chưa phù hợp và cũng không rõ mục tiêu của quy định này là gì, đề nghị nên bỏ quy định này. Đề nghị điều chỉnh lại Điểm b, Khoản 1, Điều 22 Dự án luật về quy định “tại thời điểm giao kết hợp đồng, đối tượng bảo hiểm không tồn tại” để đảm bảo tính rõ ràng và phù hợp khi xác định các trường hợp hợp đồng vô hiệu…
Buổi chiều
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã nghe: (i) Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự kiến Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; (ii) Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự kiến Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025).
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về: (i) Dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; (ii) Dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025).
Tại điểm cầu Thanh Hóa, các ĐBQH khẳng định những kết quả đạt được trong cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã trở thành nền tảng quan trọng tạo thế và lực mới cho đất nước. Chất lượng tăng trưởng được nâng lên, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, năng suất lao động được cải thiện rõ nét.
Các ĐBQH cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, trong đó có 5/22 mục tiêu trong kế hoạch không hoàn thành.
ĐBQH chuyên trách Cầm Thị Mẫn tham gia ý kiến tại tổ.
Về thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, các ĐBQH đề nghị Chính phủ cần tập trung đánh giá các nội dung về diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến khả năng thực hiện và hoàn thành các mục tiêu đề ra; công tác quản lý vốn vay; kết quả khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, đầu tư dàn trải, manh mún, nợ đọng xây dựng cơ bản…
Các ĐBQH đề nghị cần phải gắn với chương trình phục hồi phát triển kinh tế, tăng cường tính tự chủ, khả thích ứng của nền kinh tế. Cần phải xác định rõ những khó khăn cần tháo gỡ, những nội dung cơ cấu lại, đặc biệt là các mục tiêu trụ cột để tăng trưởng; trong đó cần tập trung để hoàn thành cơ cấu lại nền nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, lĩnh vực đầu tư công…
Đồng thời đề nghị cần bổ sung mục tiêu hệ thống thanh toán trực tuyến; khuyến khích công nghệ tài chính phát triển, bảo vệ an toàn người dùng, nâng cao chất lượng an ninh mạng. Đẩy mạnh cải cách thể chế; phát triển đầy đủ các loại hình thị trường; thúc đẩy huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội. Cần chú trọng nâng cấp chuỗi giá trị của các ngành; nâng cao nội lực của nền kinh tế và của doanh nghiệp Việt Nam…
ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa chủ trì thảo luận ở tổ 55 tại điểm cầu Thanh Hóa
Về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025), các ĐBQH đề nghị cần phân tích kỹ, luận giải giữa việc giảm đất trồng lúa và đảm bảo chiến lược an ninh lương thực quốc gia, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu, diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các yếu tố an ninh phi truyền thống. Trong quy hoạch đất đô thị cần quan tâm cân đối việc mở rộng, phát triển đô thị hiện có với quy hoạch, phát triển các đô thị mới, trên cơ sở quy hoạch tổng thể quốc gia, tránh lãng phí đất đai; cần rà soát lại quy hoạch tại các khu công nghiệp…
Thứ Bảy, ngày 30/10/2021: Buổi sáng, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Buổi chiều, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025)./.