Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa xin được đăng toàn văn bài phát biểu của đại biểu Quốc hội Bùi Mạnh Khoa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Kính thưa Chủ tọa phiên họp,

Kính thưa Quốc hội,

Tôi tán thành với sự cần thiết, tên gọi và phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê như đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Việc dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia để cập nhật, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, phản ánh đúng, đầy đủ tình hình kinh tế - xã hội mới của đất nước, phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước và sửa đổi, bổ sung một số nội dung quan trọng của Luật Thống kê hiện hành nhằm làm rõ quy trình biên soạn các chỉ tiêu thống kê quốc gia, bảo đảm sự thống nhất về số liệu, thông tin thống kê giữa cơ quan thống kê Trung ương và cơ quan thống kê cấp tỉnh tại thời điểm này là phù hợp. Tôi cũng nhất trí việc trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật tại kỳ họp này theo quy trình tại một kỳ họp.

Sau đây, tôi xin tham gia ý kiến về một số nội dung cụ thể của dự thảo Luật này như sau:

1. Về một số nội dung của dự thảo Luật

- Theo tôi, quy định tại khoản 2 Điều 1 của dự thảo Luật về việc “Đối với thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia phải thống nhất với cơ quan thống kê Trung ương trước khi công bố” là cần thiết để bảo đảm khắc phục sự không thống nhất về số liệu, thông tin thống kê giữa cơ quan thống kê Trung ương và cơ quan thống kê cấp tỉnh cũng như bảo đảm niềm tin đối với thông tin thống kê nhà nước. Tuy nhiên, để việc áp dụng quy định này được thống nhất, khả thi, phù hợp với nguyên tắc của hoạt động thống kê là “trung thực, khách quan, chính xác”, “độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê”; “có tính so sánh”, đề nghị làm rõ việc “phải thống nhất” được thực hiện theo cách thức như thế nào; trường hợp vẫn không có sự thống nhất giữa các cơ quan thì ý kiến của cơ quan nào là ý kiến cuối cùng? Đồng thời, dự thảo Luật cần quy định khái quát và đầy đủ hơn để đảm bảo không chỉ thống nhất số liệu, thông tin thống kê của thống kê cấp tỉnh với thống kê Trung ương mà còn thể hiện được thống nhất về số liệu thống kê giữa Tổng cục Thống kê và thống kê các bộ, ngành.

- Khoản 2 Điều 2 của dự thảo Luật quy định chung là “Chương trình điều tra thống kê quốc gia, chế độ báo cáo thống kê quốc gia ban hành theo Luật Thống kê số 89/2015/QH13 được tiếp tục thực hiện đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022”. Theo tôi, dự thảo Luật cần xác định rõ vấn đề gì thuộc chương trình điều tra thống kê quốc gia, chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia sẽ áp dụng quy định chuyển tiếp này; việc sửa các chỉ tiêu thống kê trong Phụ lục có liên quan tới các quy định về chương trình điều tra thống kê quốc gia, chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia như thế nào; sau năm 2022 thì chương trình điều tra thống kê quốc gia, chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia có tiếp tục thực hiện theo các quy định trong Luật Thống kê không. Bởi vì, dự thảo Luật chủ yếu sửa đổi, bổ sung Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia, trong khi đó, Chương trình điều tra thống kê quốc gia, chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia bao gồm nhiều nội dung quy định tại nhiều điều, khoản của Luật Thống kê.

- Đề nghị xác định rõ thời điểm có hiệu lực của Luật tại Điều 3 của dự thảo Luật vì đây là cơ sở để xem xét quy định về vấn đề chuyển tiếp, đồng thời, liên quan tới tính khả thi và công tác tổ chức thi hành Luật.

2. Về Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê

Tôi nhất trí và đánh giá cao với 03 nguyên tắc mà Chính phủ nêu ra tại Tờ trình về việc xây dựng, lựa chọn chỉ tiêu thống kê quy định trong Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia. Tuy nhiên, để các nhóm chỉ tiêu và chỉ tiêu trong Danh mục đáp ứng được các nguyên tắc nêu trên, đồng thời bảo đảm tính toàn diện, đầy đủ, tránh trùng lặp, đề nghị Chính phủ rà soát thêm một số chỉ tiêu sau đây:

- Rà soát, bổ sung các chỉ tiêu tại các nhóm chỉ tiêu 03 “Doanh nghiệp, cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp”, 14 “Khoa học và công nghệ”, 15 “Giáo dục” để phản ánh, đánh giá được đầy đủ các dữ liệu liên quan đến doanh nghiệp, hiện trạng phát triển khoa học và công nghệ của đất nước, chính sách về giáo dục của Nhà nước, trình độ học vấn của người dân, đồng thời bảo đảm sự cân đối hơn về số lượng với các nhóm chỉ tiêu khác.

- Rà soát các chỉ tiêu để phản ánh việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước trong bối cảnh mới, trong đó có chỉ tiêu về đổi mới sáng tạo toàn cầu, sự chủ động tham gia kinh tế số, xã hội số, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư được đề ra trong các văn bản của Đảng, Chính phủ, như Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021; Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030...

- Rà soát các chỉ tiêu để phản ánh thực tiễn phát triển của kinh tế - xã hội, như:

+ Các chỉ tiêu về bình đẳng giới cần được bổ sung để không chỉ phản ánh khía cạnh bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị mà còn phản ánh được bình đẳng giới trong cả lĩnh vực kinh tế và đời sống gia đình. Vấn đề này cũng đã được ghi nhận tại Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 (ban hành kèm theo Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ), Luật Hôn nhân và gia đình;

+ Nghiên cứu các chỉ tiêu phản ánh hoạt động kinh doanh bảo hiểm theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm;

+ Bổ sung một số chỉ tiêu có liên quan của nhóm chỉ tiêu "18. Mức sống dân cư" để phản ánh đầy đủ, toàn diện mức sống dân cư, như: thu nhập bình quân đầu người ở khu vực thành thị, nông thôn; tỷ lệ sử dụng điện thắp sáng...

- Rà soát các chỉ tiêu để bảo đảm tính khả thi, phân biệt rõ ràng hơn, tránh trùng lặp, như:

+ Bỏ chỉ tiêu mới được bổ sung về "Tỷ lệ người sở hữu điện thoại di động" vì điện thoại di động không phải là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, hơn nữa, Danh mục đã có chỉ tiêu 1305 về "Tỷ lệ người sử dụng điện thoại di động".

+ Giải trình để phân biệt rõ hơn về chỉ tiêu chỉ số giá sản xuất xây dựng, chỉ số giá sản xuất dịch vụ so với chỉ số giá xây dựng, chỉ số giá dịch vụ. Bởi vì, theo giải thích tại Phụ lục kèm theo Tờ trình thì chỉ tiêu "1105. Chỉ số giá sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ" là chỉ tiêu về chỉ số giá sản xuất, trong đó có chỉ số giá sản xuất xây dựng, phân biệt với chỉ tiêu chỉ số giá xây dựng (sẽ do Bộ Xây dựng tính toán, công bố). Bên cạnh đó, thực tế hiện nay cũng tồn tại chỉ tiêu chỉ số giá dịch vụ.

+ Lý do giữ lại chỉ tiêu số "1405. Tỷ lệ chi đổi mới công nghệ so với tổng vốn cố định của doanh nghiệp" trong khi bỏ chỉ tiêu về "Chỉ số đổi mới công nghệ, thiết bị".

- Rà soát chỉ tiêu mới bổ sung "2005. Số khu và diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên" đã bao hàm nội dung tại chỉ tiêu "2004. Tỷ lệ diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên" chưa; nếu đã bao quát được thì đề nghị bỏ chỉ tiêu 2004; đồng thời, nghiên cứu một số chỉ tiêu như: tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý để đầy đủ hơn...

Tôi xin hết ý kiến.

Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    370 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.282.938
    Trong năm: 978.811
    Trong tháng: 89.406
    Trong tuần: 21.599
    Trong ngày: 1.350
    Online: 110