Chiều 25-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV đã thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê. Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Thanh Hóa Cầm Thị Mẫn đã có bài phát biểu đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật thông kê.

Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh xin đăng toàn văn bài phát biểu của đồng chí Cầm Thị Mẫn, đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Thanh Hóa.

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp.

Kính thưa Quốc hội.

Qua nghiên cứu Dự thảo Luật, tôi cơ bản thống nhất với Tờ trình của Chính phủ, thống nhất cao với Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung môt số điều của Luật Thống kê nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và nhà nước về công tác thống kê.

Để góp phần hoàn chỉnh dự thảo Luật, tôi xin tham gia một số ý kiến cụ thể như sau:

Thứ nhất, việc sửa đổi, bổ sung Khoản 6, Điều 17 theo hướng giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương trình Chính phủ ban hành nội dung, chi tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê Quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu, tổng sản phẩm trong nước (GDP), chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuôc Trung ương (GRDP), hướng dẫn kiểm tra tình hình và báo cáo kết quả thực hiện hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.

Tôi cho rằng nội dung này rất cần thiết, là cơ sở pháp lý để xây dựng mục tiêu, chỉ tiêu thống kê quốc gia, biên soạn các chỉ tiêu thống kê đảm bảo tính khả thi, minh bạch trong công tác biên soạn và công bố GDP. Tuy nhiên, đối với các cơ sở kinh tế và các đơn vị trực thuộc Bộ, ngành Trung ương đóng trên địa bàn các tỉnh, thành phố.

Đề nghị bổ sung việc phân bổ cho phạm vi số liệu phục vụ cho biên soạn GDP và GRDP đối với các tổ chức, đơn vị này.

Cũng tại điểm b, Khoản 6, Điều 17 quy định định kỳ 5 năm đánh giá lại quy mô tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội.

Quy đinh này là bước đi cần thiết nhằm đo lường chính xác sự vận động của nền kinh tế, thống kê đầy đủ các thành phẩn của GDP, trong đó cần khẳng định bao gồm cả khu vực kinh tế chưa được quan sát. VIệc đo lường chính xác GDP sẽ góp phần đo lường, phản ánh chính xác các chỉ tiêu quan trọng, tỉ lệ bội chi GDP, tỷ lệ nợ công GDP…

Do vậy, để quy định của luật sớm được áp dụng vào thực tiễn, tôi đề nghị Chính phủ cần có hướng dẫn cụ thể về lộ trình, kế hoạch thống kê, đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát, khu vực kinh tế không chính thức để phản ánh chính xác hơn quy mô GDP Việt Nam.

Thứ hai, tại Khoản 2, Điều 1 của Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung điểm d, Khoản 2, Điều 48 theo hướng: “Đối với thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia phải thống nhất với cơ quan thống kê trung ương trước khi công bố”.

Đối với quy đinh này, cá nhân tôi đồng tình cao với báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế. Đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ quy định “phải thống nhất”, được thực hiện theo cách thức nào để bảo đảm nguyên tắc quy định tại Khoản 1, Điều 5 của Luật thống kê là “Thống nhất về nghiệp vụ, không trùng lặp, không chồng chéo, đồng thời phải bảo đảm trung thực, khách quan, chính xác, độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê”, trường hợp không có sự thống nhất giữa các cơ quan thì ý kiến nào là ý kiến cuối cùng?

Thứ ba, về sửa đổi, bổ sung danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia. Dự thảo sửa đổi 3 nhóm chỉ tiêu, giữ nguyên 129 chỉ tiêu, sửa 46 chỉ tiêu, bổ sung 47 chỉ tiêu, bỏ 11 chỉ tiêu. Cá nhân tôi cơ bản thống nhất với việc sửa đổi, bổ sung các chỉ tiêu trong dự thảo. Tuy nhiên, đối với nhóm chỉ tiêu thứ 19 về trật tự an toàn xã hội và tư pháp, dự thảo Luật đề nghị sửa tên chỉ tiêu số vụ, số người phạm tội thành số vụ, số bị cáo đã xét xử sơ thẩm (số thứ tự 207, mã số 1907). Tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc việc sửa tên chỉ tiêu này vì theo tôi việc sửa đổi này không chỉ đơn thuần là sửa tên chỉ tiêu mà thay đổi cả nội dung chỉ tiêu, chỉ tiêu số vụ, số người phạm tội đã bị kết án như theo quy định hiện hành, thể hiện số vụ, số người phạm tội đã bị tòa án kết án là có tội và đã có bản án; quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, là chỉ tiêu phản ánh xác thực số liệu về tình hình tội phạm xảy trong trong cả nước. Còn chỉ tiêu số vụ, số bị cáo đã xét xử sơ thẩm chỉ thể hiện số vụ; đối với số bị cáo đã xét xử sơ thẩm chưa thể hiện được bản án quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hay chưa. Vì có những trường hợp sau xét xử sơ thẩm có bản án quyết định sơ thẩm của Tòa án bị kháng án, kháng nghị và có trường hợp tòa án sơ thẩm tuyên không phạm tội thì việc phản ánh số liệu về tình hình tội phạm xảy ra trong cả nước sẽ chưa phản ánh đầy đủ và chính xác.

Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    542 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 4.181.973
    Trong năm: 1.347.572
    Trong tháng: 142.733
    Trong tuần: 30.761
    Trong ngày: 3.583
    Online: 91