Sáng 25-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV đã Thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Xuân đã có bài phát biểu đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh xin đăng toàn văn bài phát biểu của Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Xuân.

          Kính thưa chủ tọa kỳ họp, Kính thưa Quốc hội!

Trên cơ sở nghiên cứu nội dung dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự cũng như đối chiếu với tình hình thực tiễn áp dụng pháp luật trong thời gian qua, tôi có một số ý kiến như sau:

Một là, liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 146 BLTTHS theo hướng bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với Công an xã, tương đương với trách nhiệm của Công an phường, thị trấn, Đồn Công an.

Việc bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với Công an xã trong BLTTHS là cần thiết để tăng cường vai trò của Công an xã; góp phần giải quyết khó khăn, vướng mắc trong hoạt động khởi tố, điều tra hình sự do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 từ địa bàn cơ sở. Mặt khác, việc bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm cho Công an xã sẽ sử dụng được nguồn lực đáng kể từ Công an xã trong hoạt động tố tụng hình sự góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng chống tội phạm trên địa bàn xã.

Hai, liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 148, điểm d khoản 1 Điều 229, điểm d khoản 1 Điều 247 BLTTHS 2015. Đây là các trường hợp: Bổ sung căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà cơ quan có thẩm quyền giải quyết không thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh để quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án; Bổ sung căn cứ tạm đình chỉ điều tra vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà không thể kết thúc điều tra, nhưng đã hết thời hạn điều tra; Bổ sung căn cứ tạm đình chỉ vụ án hình sự vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà không thể tiến hành các hoạt động tố tụng để quyết định việc truy tố nhưng đã hết thời hạn quyết định việc truy tố.

Trong thời gian qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến rất phức tạp trên cả nước, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội với nhiều cấp độ khác nhau, trong một thời gian tương đối dài. Điều này đã ảnh hưởng đến các hoạt động giải quyết vụ án hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng. Việc không thể tiến hành các hoạt động tố tụng để giải quyết nguồn tin về tội phạm dẫn đến cơ quan có thẩm quyền không xác định được có, hay không có dấu hiệu tội phạm để ra quyết định khởi tố, hoặc quyết định không khởi tố vụ án khi thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm đã hết. Trong khi đó, các cơ quan có thẩm quyền cũng không thể ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố vì không có căn cứ theo quy định của luật.

Tương tự, đối với giai đoạn điều tra, việc tiến hành các hoạt động tố tụng trong giai đoạn truy tố, xét xử của các cơ quan có thẩm quyền cũng bị trì hoãn, kéo dài do không thể thực hiện được các hoạt động tố tụng để kết thúc điều tra hoặc để quyết định việc truy tố hoặc hoàn thành việc xét xử. Việc tống đạt các quyết định tố tụng cho người bị buộc tội hoặc chuyển hồ sơ vụ án sang các giai đoạn tố tụng tiếp theo, việc chuyển các chứng cứ, tài liệu, đồ vật cho Viện kiểm sát, Tòa án… bị trì hoãn, không thể tiến hành được. Trong khi đó, khoản 1 Điều 148, khoản 1 Điều 229,  khoản 1 Điều 247, khoản 1 Điều 281 và khoản 1 Điều 297 BLTTHS không có quy định cho phép tạm đình chỉ trong trường hợp “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”. Điều này dẫn đến việc vụ án, vụ việc không có cách giải quyết tiếp theo đúng quy định của pháp luật.

Vì vậy, việc bổ sung căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố tại khoản 1 Điều 148; căn cứ tạm đình chỉ điều tra tại khoản 1 Điều 229; và căn cứ tạm đình chỉ vụ án trong giai đoạn truy tố “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”, tại khoản 1 Điều 247 BLTTHS để giải quyết khó khăn, vướng mắc cấp bách từ thực tiễn là cần thiết.

Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, trong giai đoạn xét xử Tòa án cũng gặp những khó khăn, vướng mắc tương tự Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát trong việc giải quyết vụ án do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid - 19. Vì vậy, cần cân nhắc bổ sung căn cứ này tại Điều 281 về tạm đình chỉ vụ án, Điều 297 về hoãn phiên tòa để tạo ra sự thống nhất và đồng bộ trong quy định và áp dụng pháp luật, đồng thời tháo gỡ những vướng mắc trên thực tế.

Ba là, liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 155 BLTTHS theo hướng bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới Điều 226 BLHS để cho phép cơ quan tố tụng có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý mà không cần có yêu cầu khởi tố của bị hại; Sửa đổi, bổ sung Khoản 8 Điều 157 BLTTHS theo hướng bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới Điều 226 BLHS để bỏ căn cứ không khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp tội phạm quy định tại Khoản 1 Điều 226 BLHS mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố.

Việc sửa đổi, bổ sung như trên là để đáp ứng yêu cầu của Hiệp định CPTPP, bảo đảm đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định tại Nghị quyết số 72/2018/QH14 là cần thiết. Tuy nhiên, do Điểm g, Khoản 6, Điều 18.77 Hiệp định CPTPP quy định về việc cơ quan tố tụng có thẩm quyền của các quốc gia có thể khởi tố vụ án hình sự về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu  mà không cần có yêu cầu khởi tố của bị hại, Hiệp định không đặt ra yêu cầu đối với chỉ dẫn địa lý. Như vậy, nếu sửa đổi, bãi bỏ nội dung dẫn chiếu đến toàn bộ khoản 1 Điều 226 BLHS theo dự thảo luật, bao gồm cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý  thì sẽ mở rộng hơn so với yêu cầu của Hiệp định.

Do dự án Luật được xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn nên chỉ sửa đổi BLTTHS theo hướng thực hiện đúng cam kết, đúng phạm vi yêu cầu của Hiệp định về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, không mở rộng đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý. Trong trường hợp mở rộng đến các nội dung khác ngoài cam kết trong Hiệp định như trên thì để bảo đảm sự thận trọng, chính xác, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, các cơ quan, Bộ ngành có liên quan phải tiến hành tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật tố tụng hình sự; tiến hành nghiên cứu, đánh giá đầy đủ, chi tiết theo đúng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung phù hợp, bảo đảm sự thống nhất giữa hệ thống pháp luật, nên không áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong quá trình xây dựng, ban hành dự án Luật này.

  Tôi xin hết ý kiến, trân trọng cảm ơn Quốc hội!


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    370 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.286.919
    Trong năm: 978.915
    Trong tháng: 90.305
    Trong tuần: 22.433
    Trong ngày: 1.692
    Online: 49