Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ Hai, sáng 28/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung phiên họp tại Hội trường Diên Hồng.
Toàn cảnh buổi làm việc tại Hội trường Diên Hồng
Tham dự tại điểm cầu Thanh Hóa có Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cùng các vị ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh.
Các vị Đại biểu Quốc hội tham dự Kỳ họp tại điểm cầu Thanh Hóa
Góp ý vào dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa thống nhất cao với sự cần thiết ban hành Luật để vừa cụ thể hóa chủ trương của Đảng về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng và khắc phục những tồn tại, hạn chế của luật hiện hành sau 17 năm thực hiện luật.
ĐBQH Mai Văn Hải cho rằng, tại điểm đ, khoản 2, Điều 6 về nguyên tắc khen thưởng, đề nghị ngoài việc quan tâm khen thưởng người trực tiếp lao động, sản xuất, học tập, công tác và khen thưởng tại địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thì cần phải quan tâm thêm tập thể nhỏ có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ theo tinh thần Chỉ thị số 34 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng.
Tại khoản 2, Điều 11 về quy định MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam và các tổ chức xã hội khác trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có nhiệm vụ: Dự thảo Luật quy định có 3 nhiệm vụ, trong đó có quy định nhiệm vụ giám sát việc thực hiện pháp luật về thi đua, khen thưởng cho các tổ chức xã hội là không phù hợp, bởi vì thực hiện nhiệm vụ giám sát theo Quyết định số 217 của Bộ Chính trị về Ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội thì chỉ có Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội mới là chủ thể giám sát.
Đại biểu Quốc hội Mai Văn Hải tham gia thảo luận tại Kỳ họp
Tại các Điều 26, 27, 28 của Dự án luật, ĐBQH Mai Văn Hải đề nghị các danh hiệu thi đua “xã tiêu biểu”; “phường, thị trấn tiêu biểu”; “thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố tiêu biểu”; “gia đình tiêu biểu” cần làm rõ cơ sở nội hàm, phạm vi, tính chất của danh hiệu “tiêu biểu”.
Tại khoản 1, Điều 26 Dự án luật về danh hiệu “xã tiêu biểu” tặng cho xã đạt các tiêu chuẩn,, trong 3 tiêu chuẩn có tiêu chuẩn đầu tiên là: “Đạt tiêu chuẩn nông thôn mới”, ĐBQH Mai Văn Hải cho rằng tiêu chuẩn này sẽ dễ hơn đối với các xã đồng bằng ven biển và sẽ rất khó khăn cho các xã miền núi, vùng sâu, biên giới, hải đảo, vì để đạt tiêu chuẩn nông thôn mới đối với các đơn vị này là rất khó khăn do nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng cũng như phát triển kinh tế nhằm nâng cao đời sống Nhân dân, giảm nghèo bền vững. Vì vậy, đề nghị cần có quy định tiêu chuẩn riêng, phù hợp cho các xã vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa và biên giới, hải đảo, có như vậy mới thúc đẩy được phong trào thi đua ở các đơn vị khó khăn.
Ban soạn thảo cần nhắc lại phạm vi áp dụng sáng kiến và số lượng sáng kiến cho phù hợp, không để quá khó với công nhân, nông dân; vừa đảm bảo chặt chẽ, không dễ dãi nhưng cũng tạo điều kiện để nông dân, công nhân tích cực tham gia và tiếp cận được với các danh hiệu thi đua, đối tượng mà lâu nay như đánh giá là số lượng được khen thưởng rất ít.