Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa xin được đăng toàn văn bài phát biểu của Đại biểu Quốc hội Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2022-2024 (trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương).

Ảnh ĐBQH Cao Thị Xuân

Kính thưa Chủ tọa phiên họp,

Kính thưa Quốc hội,

Tại kỳ họp trước, khi phát biểu một số vấn đề về tình hình kinh tế - xã hội, đời sống đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi, chúng tôi có so sánh một ý là khi các vùng kinh tế phát triển, các khu vực đô thị chúng ta đang thực hiện các phương thức thanh toán không sử dụng tiền mặt thì nhiều đồng bào khó khăn vùng dân tộc miền núi đã lâu không thấy mặt đồng tiền.

Làn sóng thứ tư của đại dịch COVID giữa hai kỳ họp Quốc hội với mức độ tàn phá khủng khiếp mà hậu quả đã được các báo cáo của Chính phủ và thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội nêu rõ. Nhiều đại biểu Quốc hội đã phân tích, đánh giá thêm giúp chúng ta nhìn nhận toàn diện, đầy đủ vấn đề. Một trận dịch giã đi qua thêm hàng vạn gia đình, hàng triệu người lao động ngay tại các khu vực đô thị và nhiều doanh nghiệp cũng rơi vào cảnh không còn tiền mặt. Cử tri đang trông đợi Quốc hội ban hành một nghị quyết, trong đó có những giải pháp khả thi để đạt được đồng thời 3 mục tiêu lớn là: kinh tế phục hồi mạnh mẽ, bảo đảm an sinh xã hội tốt và tiếp tục phòng chống dịch có hiệu quả.

Phải khẳng định rằng, trong bối cảnh kinh tế hết sức khó khăn, nhiều tình thế cấp thiết, cấp bách chưa từng có tiền lệ, các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội đã phối hợp tốt với nhau, khẩn trương ban hành nhiều chính sách cần thiết. Những chính sách đó đã giúp giảm thiểu tối đa thiệt hại do đại dịch gây ra. Bên cạnh đó, chúng ta đã chứng kiến tinh thần đoàn kết, nhường cơm, sẻ áo từ truyền thống quý báu của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được phát huy, khơi dậy mạnh mẽ.

Kính thưa Quốc hội,

Trong phát biểu ngắn gọn lần này, chúng tôi một lần nữa kính đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm nhiều hơn nữa đến đời sống và phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ngay trước thời điểm khai mạc kỳ họp thứ hai của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1719 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của giai đoạn 2021-2030. Chúng tôi đề nghị trong nghị quyết hằng năm của Quốc hội cần nêu rõ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải có trách nhiệm bảo đảm nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu kế hoạch của chương trình rất quan trọng, có ý nghĩa về chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh quốc gia.

Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương ban hành các văn bản pháp lý làm cơ sở để kịp thời tổ chức thực hiện chương trình. Đặc biệt là văn bản hướng dẫn để sớm triển khai thực hiện nội dung đất ở, đất sản xuất, đào tạo, chuyển đổi nghề và giải quyết việc làm tại chỗ. Đối với một bộ phận người dân sống bằng nghề làm thuê, làm mướn, mua bán nhỏ, đây cũng là nội dung được Ủy ban Dân tộc nêu trong báo cáo gửi đến chúng tôi trước kỳ họp. Những vấn đề đặt ra đối với vùng dân tộc thiểu số, miền núi hiện nay mang tính cấp bách, bởi khó khăn từ tác động của đại dịch vừa qua là rất lớn, khi lưu thông hàng hóa bị đình trệ và các nhóm người lao động từ khu vực đô thị trở về đã làm gia tăng áp lực xã hội tại những vùng này. Sở dĩ chúng tôi đề nghị phải ghi rõ trách nhiệm, bố trí đủ nguồn lực cũng như trách nhiệm triển khai thực hiện của các bộ, ngành là bởi chúng ta đã có tiền lệ thực hiện chưa tốt một số chương trình, chính sách quan trọng đối với vùng dân tộc và miền núi. Còn nhớ ngày 31/10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2085 phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi của giai đoạn 2017-2020. Tuy quyết định được Thủ tướng ký từ năm 2016 nhưng mãi đến năm 2019 mới được giao vốn đầu tư phát triển và chỉ đạt có 14,66% nhu cầu. Câu chuyện này từng được nhiều đại biểu của nhiệm kỳ trước phát biểu ý kiến tại hội trường.

Theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số vào tháng 4/2019, có tới gần 13.000 hộ người dân tộc thiểu số di cư tự phát cần được sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, hơn 54.000 hộ thiếu đất sản xuất, hơn 58.000 hộ thiếu đất ở và khoảng 220.000 hộ thiếu nước sinh hoạt cần được hỗ trợ kinh phí, hỗ trợ để giải quyết vấn đề này thuộc về dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021-2030. Thời điểm này chỉ còn gần hai tháng nữa là kết thúc năm 2021, dự án vẫn phải đợi vốn chưa thể triển khai được.

Kính thưa Quốc hội, các chương trình mục tiêu, những chính sách có mục tiêu, ý nghĩa tốt đẹp được Trung ương, Quốc hội, Chính phủ dành cho đồng bào chỉ có thể đạt được mục đích phát huy được hiệu quả khi đáp ứng đủ nguồn vốn triển khai kịp thời chống được thất thoát, lãng phí tiêu cực. Đất nước đang đứng trước nhiều khó khăn nhưng chúng ta không thể nợ lâu hơn nữa chương trình mục tiêu này. Đồng bào các dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống ở những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, trong đó có nhiều khu vực có ý nghĩa trọng yếu về an ninh, quốc phòng, có vai trò chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội chung và bảo đảm chủ quyền an ninh quốc gia nói riêng. Đồng bào tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và các chính sách pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo điều hành của Chính phủ, việc bố trí đủ nguồn lực thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là cách để chúng ta đền đáp lại niềm tin của đồng bào.

Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


Tin cùng chuyên mục

 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    370 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.268.927
    Trong năm: 976.738
    Trong tháng: 88.956
    Trong tuần: 17.970
    Trong ngày: 827
    Online: 44