Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa xin được đăng toàn văn bài phát biểu của Đại biểu Quốc hội Bùi Mạnh Khoa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội vào ngày làm việc đầu tiên của đợt họp thứ 2 theo hình thức tập trung.

Ảnh ĐBQH Bùi Mạnh Khoa

Kính thưa Đoàn Chủ tọa,

Kính thưa Quốc hội,

Nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đã trở thành tâm điểm, quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước và các chủ thể tham gia thị trường. Nợ xấu ngân hàng khiến việc luân chuyển vốn giữa các khu vực của nền kinh tế bị đình trệ, đặc biệt là dòng vốn chảy vào khu vực sản xuất và kinh doanh. Việc Quốc hội thể chế hóa công tác xử lý nợ xấu thông qua việc ban hành Nghị quyết số 42 ngày 21/6/2017, về thí điểm nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc xử lý hiệu quả nợ xấu, bảo đảm các tổ chức tín dụng tiếp tục phát huy tốt vai trò kênh dẫn vốn chủ đạo, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID diễn biến phức tạp.

Theo Báo cáo số 402 ngày 12/10/2021 của Chính phủ, tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 được xử lý từ khi Nghị quyết có hiệu lực đến 30/6/2021 đạt trung bình khoảng 5,95 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 2,43 nghìn tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trước khi có nghị quyết. Khi Nghị quyết số 42 ra đời, ngoài Ngân hàng Nhà nước thì các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước đã kịp thời ban hành, triển khai thực hiện. Bộ Tư pháp, Tổng Cục Thi hành án hình sự, các cơ quan thi hành án dân sự địa phương là một lực lượng có vai trò quan trọng trong quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Trong hệ thống cơ quan thi hành án dân sự, tính từ tháng 1/2016 đến tháng 9/2021, tổng số án tín dụng ngân hàng chiếm 3% về việc, gần 60% về tiền so với tổng số tiền, việc phải thi hành án của toàn quốc. Toàn hệ thống cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong 22.482 việc, thu được hơn 126.184 tỷ đồng cho các tổ chức tín dụng. Từ những số liệu trên cho thấy việc số tiền cơ quan thi hành án dân sự phải tổ chức thi hành cho các tổ chức tín dụng ngân hàng ngày càng tăng. Năm 2021 cao gấp 1,6 lần về việc, gấp 1,3 lần về tiền so với năm 2017. Qua đây có thể thấy được sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của hệ thống các tổ chức cơ quan thi hành án dân sự trong cả nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các quy định của Nghị quyết 42 và các quy định của Luật Thi hành án vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc từ thể chế, như chưa có cơ chế ủy thác xử lý tài sản để xử lý đồng thời các tài sản ở nhiều địa phương khác nhau, về thuế, phí, án phí khi xử lý tài sản bảo đảm, v v.

Kính thưa Quốc hội,

Trước diễn biến hết sức phức tạp của đại dịch COVID-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nguy cơ gia tăng nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã được Chính phủ nêu trong Báo cáo số 402. Nếu chúng ta không có các giải pháp căn cơ để hạn chế nợ xấu và giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho lực lượng tham gia vào quá trình giải quyết nợ xấu thì nợ xấu rất khó được giải quyết. Vì vậy, tôi xin đi sâu vào một số kiến nghị sau đây:

Thứ nhất, đối với Quốc hội, đề nghị xem xét thông qua việc sửa đổi, bổ sung cơ chế về xử lý tài sản thi hành án để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự khi người phải thi hành án có tài sản ở nhiều nơi, tiến tới sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự năm 2014 theo hướng rút gọn các trình tự, thủ tục.

Thứ hai, đối với Chính phủ, chỉ đạo các bộ, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trong thực hiện Nghị quyết 42 giai đoạn cuối. Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu; quan tâm hơn nữa đến lực lượng thi hành án dân sự. Có thể nói, đây là lực lượng hết sức đặc thù, đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình thực thi nhiệm vụ, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, sức ép quá nặng của công việc. Bình quân một chấp hành viên một năm thi hành 221 việc và khoảng 70 tỷ đồng. Hiện tượng bỏ việc, chuyển việc diễn ra thường xuyên và nhiều năm nhưng vẫn chưa có hướng để giải quyết triệt để.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị, trụ sở làm việc của cơ quan thi hành án dân sự mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Vì vậy, tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ đầu tư hơn nữa cho lực lượng thi hành án dân sự.

Thứ ba, đối với các bộ, ngành, các cấp hạn, ngày 02/6/2021 Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 04 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Vì vậy, tôi đi các cấp, các ngành, đặc biệt là cơ quan tố tụng, các cơ quan tiền tố tụng với chức trách nhiệm vụ được giao, kịp thời áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản ngay trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, truy tố, điều tra, xét xử.

Bốn, đối với cấp ủy, chính quyền địa phương phải thực sự quan tâm đến công tác thi hành án dân sự. Phải xem đây là một nhiệm vụ quan trọng của địa phương, bảo đảm những việc khó khăn, phức tạp. Phải có chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo thi hành án.

Tôi xin trân trọng cảm ơn.

 

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


Tin cùng chuyên mục

 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    542 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 4.183.476
    Trong năm: 1.347.572
    Trong tháng: 142.733
    Trong tuần: 30.761
    Trong ngày: 5.085
    Online: 119