Tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, chiều 04/01, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thanh Hóa tham gia thảo luận ở Tổ để góp ý vào dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (trong năm 2022-2023).
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận ở tổ tại điểm cầu Thanh Hóa.
Tham gia thảo luận tại điểm cầu Thanh Hóa có: Đại biểu Quốc hội Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa chủ trì phiên thảo luận, cùng các vị đại biểu Quốc hội công tác trong tỉnh.
Mục tiêu của dự thảo Nghị quyết là nhằm khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phần đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5 - 7%/năm giai đoạn 2021 - 2025, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn. Đồng thời phục hồi, phát triển nhanh sản xuất, kinh doanh, nhất là ngành, lĩnh vực quan trọng, tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trên cơ sở thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, góp phần giữ vững an ninh - trật tự, an toàn xã hội.
Dự thảo Nghị quyết đã đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô thực hiện dự kiến trong năm 2022- 2023 đó là: Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, ngoài ra huy động từ các Qũy tài chính ngoài ngân sách nhà nước.
ĐBQH chuyên trách Cầm Thị Mẫn tham gia ý kiến tại tổ
Tại điểm cầu Thanh Hóa, các ĐBQH cho rằng, từ năm 2020 đến nay đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Trước tình trạng trên, Chính phủ đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách đồng bộ từ phòng, chống dịch cho đến chính sách tài khóa tiền tệ, an sinh xã hội xã hội như: Hoàn thuế và tiền thuê đất; giảm tiền điện cho các nhà máy trong 3 tháng; giảm cước viễn thông; hỗ trợ trẻ em và người đang điều trị COVID-19, cách ly…
Việc Chính phủ ban hành các chính sách thời gian qua là rất kịp thời, mục tiêu rõ ràng, phù hợp để hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp chịu tác động năng nề bởi đại dịch COVID-19 trở về trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, thực tế triển khai thời gian qua cho thấy hiệu quả thực thi các chính sách ở một số địa phương còn thấp, có lúc, có nơi chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa có sự thống nhất giữa các địa phương.
ĐBQH Lê Văn Cường tham gia ý kiến tại tổ
Các ĐBQH cho rằng việc ban hành Nghị quyết là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn hiện nay, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện, đồng thời đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới và cũng thống nhất với chủ trương miễn, giảm một số loại thuế, phí, trong đó thống nhất chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% áp dụng cho các mặt hàng chịu thuế suất 10%; việc chấp nhận thâm hụt ngân sách nhà nước tăng ở mức cao hơn, mỗi năm tăng khoảng 1% đến 1,2% GDP trong 2 năm thực hiện Chương trình.
Đại biểu Quốc hội Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại điểm cầu Thanh Hóa.
Một số ý kiến đề nghị Nghị quyết hỗ trợ Chương trình cần có chính sách hợp lý hỗ trợ tiền thuê nhà trọ đối với nhóm lao động phi chính thức; bổ sung chính sách thu hút lao động quay trở lại làm việc cũng như chính sách hỗ trợ phát triển việc làm tại các địa phương; đề nghị cần hoàn thiện các chính sách trợ giúp xã hội. Ngoài ra, cần rà soát kỹ danh mục dự án đầu tư chuyển đổi số và chỉ đưa vào các dự án có tính lan tỏa và hỗ trợ cải thiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Cần giải quyết ngay các vướng mắc trong quy định về việc sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. Nghị quyết hỗ trợ Chương trình cần tăng cường năng lực, cơ sở vật chất cho hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng; tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện huy động vốn tín dụng ngân hàng cho doanh nghiệp và người dân; tập trung tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…
Thứ Tư, ngày 05/01/2022, Quốc hội làm việc theo chương trình riêng.