Sáng 06/01, phát biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự, đại biểu Mai Văn Hải, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho rằng việc phân quyền cho người đứng đầu cơ quan Trung ương, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được quyết định chủ trương đầu tư các dự án thuộc nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn ODA viện trợ không hoàn lại, dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài là rất cần thiết để thực hiện cải cách hành chính, cũng như tạo điều kiện để triển khai nhanh các dự án.

Hiện nay, việc triển khai các dự án sử dụng nguồn vốn ODA có nhiều vướng mắc về thay đổi tổng mức đầu tư, về ký hiệp định vay vốn, về tiến độ công tác giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, mỗi lần có thay đổi chủ trương đầu tư phải có đề xuất với Thủ tướng Chính phủ dẫn đến mất rất nhiều thời gian. Từ thực tiễn đó, Luật sửa đổi giao phân quyền cho các địa phương là rất hợp lý, tạo động lực, mở ra giải pháp để các địa phương chủ động tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, tổ chức hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

ĐBQH Mai Văn Hải, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại điểm cầu

Tuy nhiên, để việc thực hiện phân quyền quyết định chủ trương đầu tư đúng và chặt chẽ hơn nữa, đại biểu cũng đề xuất 03 vấn đề:

Vấn đề thứ nhất, cần có cơ chế giám sát chặt chẽ đối với việc phân quyền quyết định chủ trương đầu tư vì đây là những dự án vô cùng quan trọng liên quan đến vốn vay nước ngoài, liên quan đến các nhà tài trợ của nước ngoài. Đây là vấn đề không những có ý nghĩa về kinh tế, mà còn có ý nghĩa rất lớn về mặt chính trị, vì vậy, việc phân quyền quyết định chủ trương đầu tư phải đi đôi với công tác giám sát.

Vấn đề thứ hai, cần nghiên cứu xem xét phân quyền cho Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định chủ trương đầu tư, thực hiện triển khai những dự án nhóm A sử dụng nguồn vốn ODA nằm trên địa bàn tỉnh.

Vấn đề thứ ba, cần làm rõ, quy định rõ hơn đối với việc phân quyền cho các bộ, ngành, địa phương. Trong quá trình thực hiện, triển khai dự án, nếu thay đổi tổng mức đầu tư từ nhóm B lên nhóm A thì vấn đề quyết định thuộc về ai? Đề nghị khi thay đổi tổng mức từ nhóm B, nhóm C lên nhóm A phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Cũng trong sáng nay, đại biểu Mai Văn Hải nêu ý kiến đối với những sửa đổi của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Đại biểu cho rằng việc sửa đổi này là hoàn toàn cần thiết, phù hợp với Luật đầu tư công. Thực tế, một số doanh nghiệp chưa mặn mà với việc đầu tư theo hình thức PPP, đặc biệt là các dự án lớn, đi qua vùng khó khăn. Bên cạnh đó, đại biểu đề xuất nên nghiên cứu song song với việc phân cấp, phân quyền quyết định chủ trương đầu tư cho các bộ, ngành, địa phương, cần tạo điều kiện về mặt tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp đầu tư tham gia các dự án lớn, dự án trọng điểm để thu hút các nhà đầu tư, nhất là các doanh nghiệp đầu tư để xây dựng kết cấu hạ tầng.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


Tin cùng chuyên mục

 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    370 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.290.025
    Trong năm: 978.979
    Trong tháng: 90.109
    Trong tuần: 23.519
    Trong ngày: 1.223
    Online: 138