Dự phiên bế mạc tại điểm cầu Hội trường Diên Hồng có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở trung ương

Quốc hội bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ nhất

Tham dự tại điểm cầu Thanh Hóa có các đại biểu Quốc hội (ĐBQH): Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cùng các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh.

 

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sau 4,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất với nhiều nội dung hết sức quan trọng không chỉ cho năm 2022 mà cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo; được đồng bào, cử tri, dư luận trong và ngoài nước, cộng đồng doanh nghiệp hết sức quan tâm. Tác động của đại dịch COVID-19 trong hơn hai năm qua đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của Nhân dân, người lao động gặp nhiều khó khăn, tốc độ phục hồi kinh tế còn chậm, có nguy cơ lỡ nhịp với kinh tế thế giới. Trước tình hình đó, Quốc hội cần phải có các quyết sách kịp thời nhằm thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách để hỗ trợ cho Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của đất nước, của doanh nghiệp, sinh kế và đời sống của Nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc kỳ họp

Chủ tịch Quốc hội cho biết, với tinh thần trách nhiệm cao trước đất nước, đồng bào và cử tri, trên cơ sở các tờ trình, báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, với gần 1.100 lượt đại biểu phát biểu qua 3 phiên thảo luận Tổ và 3 phiên họp toàn thể trực tuyến, các vị đại biểu Quốc hội đã tập trung nghiên cứu, thảo luận sôi nổi, đóng góp rất nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết, chất lượng, có tính xây dựng; các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan có liên quan đã nỗ lực tối đa, không quản ngày đêm trong việc tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến của đại biểu để Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua 01 Luật và 04 Nghị quyết với sự thống nhất rất cao, góp phần vào thành công thực chất của Kỳ họp.

Đồng thời, Quốc hội cũng giao Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ triển khai thực hiện Nghị quyết này; đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện bảo đảm đúng quan điểm, mục tiêu, công khai, minh bạch, hiệu quả và khả thi; chú trọng thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn ngay từ đầu để không xảy ra sai sót, trục lợi chính sách, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là trong bối cảnh bố trí nguồn lực lớn trong khoảng thời gian ngắn.

Về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là công trình có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy liên kết vùng, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Quốc hội thống nhất thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án bằng nguồn vốn đầu tư công, sơ bộ tổng mức đầu tư là 146.950 tỷ đồng, với quy mô 729 km trên các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị, Quảng Ngãi - Nha Trang và Cần Thơ - Cà Mau, gồm 12 dự án thành phần có thể vận hành, khai thác độc lập nhằm kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ với các công trình hiện đại, tạo sức lan tỏa để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã được đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Quốc hội giao Chính phủ tổ chức thực hiện, cơ bản hoàn thành toàn bộ công trình trong giai đoạn 2021-2025; quản lý và khai thác, vận hành Dự án theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình.

Về Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự, Quốc hội đã thảo luận và đánh giá đây là dự án luật có phạm vi rộng, điều chỉnh nhiều đối tượng khác nhau, do đó cần phải rà soát kỹ lưỡng, nghiên cứu thấu đáo, phân tích, đánh giá toàn diện, thống nhất quan điểm chỉ sửa đổi, bổ sung những vấn đề cấp bách, đã rõ, được thực tế kiểm nghiệm, có sự đồng thuận cao và đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Các nội dung cụ thể được sửa đổi, bổ sung lần này liên quan trực tiếp tới hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp; công tác bảo vệ an ninh mạng; thi hành án dân sự; thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư vào hệ thống truyền tải điện quốc gia; khuyến khích đầu tư sản xuất và sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường; góp phần hoàn thiện khung thể chế, chính sách, hành lang pháp lý để đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Quốc hội đã tập trung thảo luận và thống nhất rất cao thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ nhằm kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị, khơi dậy và phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển thành phố Cần Thơ nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2030 là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước và là đô thị hạt nhân của Vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, bên cạnh các chính sách đã được Quốc hội cho phép thí điểm ở một số địa phương trong thời gian vừa qua điểm mới của Nghị quyết này là Quốc hội quyết định thí điểm thêm 02 chính sách đặc thù, quan trọng khác về thu hút đầu tư để xã hội hóa việc nạo vét cửa Định An đến các cảng của thành phố Cần Thơ; ưu đãi đối với các dự án đầu tư vào Trung tâm liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Các vị đại biểu Quốc hội tỉnh tại điểm cầu Thanh Hóa

Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV để thể chế hóa Kết luận của Bộ Chính trị về Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 (2022-2023) và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Quốc hội nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong bối cảnh xuất hiện biến thể mới Omicron để bảo đảm vừa kiểm soát hiệu quả đại dịch, hạn chế lây lan trong cộng đồng, vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân, nhanh chóng đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới; bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca bệnh nặng, tử vong do COVID-19 và các nguyên nhân khác.

Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhanh, quyết liệt và nâng cao tỷ lệ bao phủ văc xin và tiêm mũi tăng cường cho người lớn, nghiên cứu kỹ lưỡng và có lộ trình phù hợp, khoa học để tiêm văc xin cho người dưới 18 tuổi, nhất là trẻ em; chú trọng hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao đạo đức công vụ, cá thể hóa trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu liên quan đến tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách trong việc phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch bệnh.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, để các Nghị quyết của Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đi vào cuộc sống, ngay sau Kỳ họp, Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cấp, các ngành, các cơ quan trong bộ máy nhà nước, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời các Luật, Nghị quyết vừa được thông qua sớm phát huy hiệu quả và đi vào cuộc sống, khắc phục tình trạng “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng”.

Các vị đại biểu Quốc hội bằng các hình thức phù hợp, thông tin đến cử tri cả nước kết quả của Kỳ họp, thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ, lắng nghe, phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của cử tri, tích cực giám sát việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân, động viên Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ, với việc tổ chức thành công Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, chúng ta có bài học quý để những kỳ họp “bất thường” trở thành hoạt động “bình thường” của Quốc hội nhằm đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của thực tiễn. Tinh thần và kết quả của Kỳ họp đã tạo ra những khí thế mới, thời cơ mới, cùng với các chính sách mới được ban hành, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng lòng của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta tin tưởng sẽ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và cả giai đoạn 2021-2025, đất nước sẽ tiếp tục phát triển bền vững, đời sống người dân sẽ được nâng cao, niềm tin của Nhân dân sẽ càng được củng cố vững chắc.

Tại kỳ họp, các vị đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện nghiêm túc nội quy kỳ họp, tham gia đầy đủ các phiên họp, các phiên thảo luận trực tuyến và tại Tổ. Trong đó, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức 03 cuộc thảo luận ở Tổ để cho ý kiến về 01 dự án luật, 02 dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội thông qua; thảo luận về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tố Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và một số nội dung quan trọng khác. Trong các phiên thảo luận, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có 17 lượt ý kiến phát biểu tại Tổ và có 03 ý kiến phát biểu tại các phiên thảo luận trực tuyến. Các ý kiến của các vị ĐBQH đều rất tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn, phản ánh cơ bản được tâm tư, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội, được dư luận cử tri và Nhân dân đồng tình./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


Tin cùng chuyên mục

 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    367 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.210.003
    Trong năm: 982.981
    Trong tháng: 96.984
    Trong tuần: 25.470
    Trong ngày: 2.320
    Online: 61