Thứ Tư, ngày 25/5/2022, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021…

Toàn cảnh phiên thảo luận

Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa thuộc Tổ 13 cùng các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh: Trà Vinh, Phú Thọ.

Tại buổi thảo luận, các ĐBQH đánh giá năm 2021, nền kinh tế nước ta đã chịu nhiều ảnh hưởng do đại dịch COVID-19, sản xuất, kinh doanh đối mặt với rất nhiều khó khăn, chuỗi sản xuất, lao động đứt gãy. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội đã đạt được kết quả đáng ghi nhận: 7/12 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức 1,84%, các cân đối vĩ mô cơ bản được đảm bảo. Đặc biệt, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành kịp thời nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phòng chống dịch, tăng cường tiêm chủng vắc xin, góp phần quan trọng để phục hồi kinh tế.

Đại biểu Mai Văn Hải, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa phát biểu

Tham gia ý kiến thảo luận, đa số các ĐBQH bày tỏ tán thành với báo cáo bổ sung kết quả kết thực hiện phát triển kinh tế xã hội năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Quan tâm đến việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, các ĐBQH đề nghị Chính phủ làm rõ hơn tác động của đứt gãy chuỗi cung ứng đối với hoạt động kinh tế trong nước, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp, đồng thời đề xuất các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài cho những chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động tiêu cực của chuỗi cung ứng.

Đại biểu Quốc hội Vũ Xuân Hùng phát biểu

Về việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, các ĐBQH đồng tình với báo cáo của Ngân hàng Nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng với những kết quả nổi bật. Các công cụ của chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt và đồng bộ; có sự phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để điều tiết những thanh khoản làm ổn thị trường tiền tệ. Ngoài ra còn có sự kiểm soát theo đúng mục tiêu và cung ứng nguồn vốn cho phục hồi và phát triển kinh tế.

Đại biểu Quốc hội Bùi Mạnh Khoa phát biểu

Quan tâm đến vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công, các ĐBQH cho rằng một trong những vấn đề trọng tâm cần giải quyết trước mắt là thúc đẩy tiến độ việc giải ngân vốn đầu tư công. Gói kích thích kinh tế đã tập trung đầu tư cho các lĩnh vực hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế… nhưng đến nay tiến độ giải ngân, phân bổ còn chậm, không đáp ứng được yêu cầu. Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công đã gây ảnh hưởng tới tốc độ phục hồi của nền kinh tế, gây khó khăn cho nhiều lĩnh vực, đặc biệt là làm thiếu thốn thuốc và vật tư y tế phục vụ việc phòng chống dịch, đảm bảo sức khỏe người dân; gây ảnh hưởng đến công tác giáo dục, đào tạo. Cho rằng đây là vấn đề trầm kha, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm và còn để lại những hậu quả nặng nề, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần phải tìm giải pháp mới, đột phá để giải quyết những vấn đề đã cũ.

Đại biểu Quốc hội Cầm Thị Mẫn phát biểu

Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường. Theo sự phân công của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung phiên họp. Quốc hội nghe: (1) Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); (2) Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); (3) Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Tại phiên thảo luận đã có 19 đại biểu phát biểu; trong đó, đa số ý kiến đại biểu thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) của UBTVQH và cho rằng, dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp này đã bổ sung nhiều nội dung mới, đáp ứng được các mục tiêu đề ra, thể hiện đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về văn hóa phát triển ngành điện ảnh trên cơ sở xác định ngành điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật sáng tạo, vừa là ngành kinh tế, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, để tiếp tục góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về một số nội dung cụ thể như: cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài; chính sách của Nhà nước, trách nhiệm quản lý Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh; thành lập quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh; phát triển nguồn nhân lực, hợp tác đầu tư nước ngoài trong hoạt động điện ảnh; những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh; về lưu chiểu, lưu trữ, phân loại phim; đổi mới công tác quản lý, thẩm định và cấp Giấy phép phân loại phim; thay đổi nội dung phim và các thông tin khác trong Giấy phép phân loại phim; quyền và nghĩa vụ của nhà sản xuất phim, biên kịch, đạo diễn, quay phim, diễn viên và thành viên khác trong đoàn làm phim; sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước; phổ biến phim trong hệ thống rạp chiếu phim, trên không gian mạng, trên hệ thống truyền hình; Liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim, tuần phim tại Việt Nam;…

Kết thúc phiên thảo luận, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng và Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh thay mặt cơ quan trình và cơ quan thẩm tra giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Thứ năm, ngày 26/5/2022: Buổi sáng, Quốc hội nghe: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thanh tra (sửa đổi); Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cảnh sát cơ động. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


Tin cùng chuyên mục

 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    542 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 4.182.283
    Trong năm: 1.347.572
    Trong tháng: 142.733
    Trong tuần: 30.761
    Trong ngày: 3.893
    Online: 74