Chiều ngày 27 - 5, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội cho ý kiến tại hội trường về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Đồng chí Võ Mạnh Sơn, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã có một số ý kiến góp ý vào dự thảo Luật lần này.
Ban Biên tập Cổng Thông tin điện tử của Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh trân trọng giới thiệu với bạn đọc toàn văn bài phát biểu của đại biểu Võ Mạnh Sơn.
Đại biểu Võ Mạnh Sơn, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh phát biểu tại hội trường
Kính thưa Chủ toạ Kỳ họp!
Kính thưa Quốc hội!
Tôi xin thống nhất cao với báo cáo giải trình của UBTV Quốc hội, để hoàn thiện Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), tôi xin tham gia một số vấn đề cụ thể:
Thứ nhất, về áp dụng Luật kinh doanh bảo hiểm và luật khác có liên quan (Điều 3 dự thảo Luật)
Tôi thống nhất đề nghị chọn Phương án 2: Khoản 1 và khoản 2 Điều 3 của dự thảo Luật trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 9 (tháng 3.2022) được chuyển thành khoản 3 và khoản 4 Điều 15 của dự thảo Luật, đồng thời chỉnh lý lại nội dung khoản 3, cụ thể như sau:
“1. Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Kinh doanh bảo hiểm và luật khác đã được ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành về hợp đồng bảo hiểm (trừ hợp đồng bảo hiểm hàng hải), thành lập, tổ chức hoạt động, hoạt động nghiệp vụ, tài chính, khả năng thanh toán và biện pháp can thiệp đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm thì thực hiện theo quy định của Luật này.
2. Trường hợp luật khác ban hành sau ngày Luật này có hiệu lực thi hành cần quy định đặc thù về các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này khác với quy định của Luật này thì phải xác định cụ thể nội dung thực hiện hoặc không thực hiện theo quy định của Luật này.”.
Thứ hai, về đóng phí bảo hiểm nhân thọ (Điều 37 dự thảo Luật)
Tôi cho rằng gói bảo hiểm nhân thọ thường có thời gian rất dài do vậy việc gia hạn đóng phí 60 ngày là chưa hợp lý. Đề nghị điều chỉnh quy định lên tối thiểu là 90 ngày.
Thứ ba, nội dung dự thảo Luật Kinh doanh Bảo hiểm (sửa đổi) chưa đề cập đến việc doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải trả lãi suất trên số tiền bảo hiểm hay bồi thường chậm trả. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định về lãi suất chậm trả trong hai trường hợp nêu trên để có căn cứ pháp lý khi xảy ra tranh chấp giữa các bên. đồng thời cần bổ sung điều khoản quy định doanh nghiệp bán bảo hiểm phải chịu lãi chậm thanh toán. Việc này nhằm tránh việc đơn vị bán bảo hiểm trì hoãn thanh toán, chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
Thứ tư, thực tế hiện nay, khi có tranh chấp về bảo hiểm, có thể thấy bộ hồ sơ bảo hiểm bên bán đưa cho bên mua rất dày. Điều khoản về loại trừ trách nhiệm của doanh nghiệp bán bảo hiểm nằm trong phụ lục với nhiều từ ngữ khó hiểu. Do vậy người mua thường không thể hiểu hết tất cả. Hợp đồng bảo hiểm lại là hợp đồng mẫu, người mua không có quyền thay đổi, có chăng chỉ có thay đổi về thời hạn và số tiền mua bảo hiểm mà thôi. Do vậy, trong quan hệ bảo hiểm, người mua là người yếu thế. Để đảm bảo quyền lợi của người mua bảo hiểm, tôi thống nhất cao với điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm tại khoản 2 Điều 19 Dự thảo quy định phải “có bằng chứng xác nhận việc bên mua bảo hiểm đã được doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoái giải thích đầy đủ và hiểu rõ” các nội dung về loại trừ trách nhiệm bảo hiểm.
Thứ năm, đề nghị quy định cụ thể trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài không chấp nhận yêu cầu tại khoản 2, 4 Điều 23 dự thảo Luật thì bên mua bảo hiểm có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm nhưng phải thông báo ngay bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài trong thời hạn bao nhiêu ngày kể từ ngày chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện chấm dứt hợp đồng bảo hiểm; về hồ sơ xin cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, đề nghị quy định rõ lý lịch tư pháp được cấp ở thời điểm nào (trong thời hạn bao nhiêu ngày tính đến ngày nhận hồ sơ) và bản sao các văn bản, chứng chỉ phải được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật công chứng, chứng thực.
Thứ sáu, theo khoản 2 Điều 99 Dự thảo Luật quy định khi nhận yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, Tòa án sẽ “mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản và áp dụng ngay thủ tục thanh lý tài sản của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm” mà không tổ chức hội nghị chủ nợ và thực hiện thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, theo Luật Phá sản 2014, Tòa án phải tuyên bố doanh nghiệp phá sản rồi mới tiến hành thanh lý tài sản. Trong khi đó, Dự thảo lại quy định Tòa sẽ tiến hành thanh lý tài sản ngay sau khi mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản. Tức là, thời điểm này doanh nghiệp bảo hiểm chưa bị tuyên bố phá sản. Như vậy, quy định tại Dự thảo sẽ không rõ thời điểm nào doanh nghiệp bảo hiểm sẽ “bị tuyên bố là phá sản” hay là doanh nghiệp bảo hiểm không cần bị tuyên bố phá sản? Trong Báo cáo giải trình, cơ quan soạn thảo đang sửa đổi quy định theo hướng “Tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản, tuyên bố doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm phá sản và áp dụng ngay thủ tục thanh lý tài sản”. Hướng sửa đổi này là hợp lý, tuy nhiên Dự thảo vẫn chưa thể hiện được định hướng này, đề nghị sửa lại quy định tại Điều 99 Dự thảo cho phù hợp hơn.
Xin cảm ơn Quốc hội!