Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, chiều ngày 01/6/2022, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2021; Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Đại biểu Quốc hội Bùi Mạnh Khoa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bày tỏ cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thống nhất kéo dài thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14.

Ban Biên tập Cổng Thông tin điện tử của Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh trân trọng giới thiệu với bạn đọc toàn văn bài phát biểu của đại biểu Bùi Mạnh Khoa.

Đại biểu Bùi Mạnh Khoa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu tại hội trường

Kính thưa Chủ tọa phiên họp,

Kính thưa Quốc hội,

Phát biểu tại hội trường ngày hôm nay, tôi xin phát biểu về 2 nội dung:

Một, về giá xăng, dầu. Hiện nay Chính phủ đang điều hành giá xăng, dầu trong nước theo giá thế giới, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, dự báo giá xăng, dầu có khả năng tiếp tục tăng hoặc giữ ở mức cao. Giá xăng, dầu tăng không chỉ tác động làm tăng giá thành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà còn trực tiếp làm tăng CPI, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân. Vừa qua, căn cứ quy định của Luật Thuế bảo vệ môi trường, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng này. Tuy nhiên, hiện nay mặt hàng xăng, dầu đang chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và mức thuế suất này do Quốc hội quyết định. Để bảo đảm linh hoạt trong việc kiềm chế giá xăng, dầu tăng cao, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân, kiềm chế lạm phát, tôi đề nghị ngay tại kỳ họp này Quốc hội giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với giá xăng, dầu trong năm 2022, tương tự như đối với thuế bảo vệ môi trường trên cơ sở đề nghị của Chính phủ. Việc giảm thuế đối với xăng, dầu có thể ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước, tuy nhiên, với giá dầu thô tăng cao mà Việt Nam lại xuất khẩu dầu thô, do đó chúng ta có thể bù đắp thu ngân sách nhà nước từ nguồn này.

Hai, tôi xin tham gia ý kiến về việc tổng kết Nghị quyết 42 như sau:

Qua nghiên cứu báo cáo tổng kết của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, về cơ bản tôi tán thành với nội dung đánh giá trong báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo của Ủy ban Kinh tế và những phân tích của các vị đại biểu phát biểu trước tôi, do đó tôi thống nhất với việc kéo dài thực hiện Nghị quyết 42 trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều khó khăn như hiện nay. Bên cạnh đó, tôi xin tham gia vào một vấn đề mà tôi quan tâm, đồng thời cũng là nội dung mà tôi chưa thấy được đề cập tại các báo cáo, cụ thể như sau:

Trong các báo cáo chúng ta mới chỉ nêu ra con số tổng thể với số tiền thuộc diện nợ xấu thông qua khách hàng tự trả nợ là 148.000 tỷ đồng, xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 108.000 tỷ đồng, bán nợ xấu và tài sản bảo đảm theo giá thị trường đạt khoảng 8,7 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, trong báo cáo đánh giá chưa tách được số dư nợ thuộc diện nợ xấu trên giá trị tài sản bảo đảm của khách hàng đã thế chấp, cầm cố, bảo lãnh tại các tổ chức tín dụng, do đó chưa xác định được khi xử lý tài sản thì thu về được bao nhiêu.

Thực tế cho thấy nhiều trường hợp tài sản bảo đảm thế chấp hiện trạng tài sản không đúng với hợp đồng thế chấp, bảo lãnh. Nhiều tài sản hiện hữu không phù hợp với tài sản đã thế chấp ban đầu, như tăng thêm tài sản hoặc giảm số lượng diện tích đất đai, tài sản là bất động sản chồng lấn với tài sản của người thứ ba liền kề, v.v.. Đối với tài sản là động sản như máy móc, thiết bị ôtô, trong quá trình cho vay, các tổ chức tín dụng thiếu theo dõi tài sản dẫn đến khi phải xử lý tài sản gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Về hoạt động thẩm định giá cho vay. Nhiều trường hợp khi thẩm định tài sản bảo đảm vượt xa giá trị thực tế của tài sản để được hưởng khoản vay cao hơn, dẫn đến khi xử lý tài sản thì số tiền thu được thấp hơn nhiều so với khoản nợ đã vay. Đây cũng là một trong các nguyên nhân gia tăng nợ xấu. Tôi đề nghị phải tách số thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm, trong đó cần phân tích giá trị tài sản khi thẩm định cho vay và khi xử lý tài sản thì thu được bao nhiêu, từ đó đánh giá được năng lực quản trị doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng trong việc thẩm định giá trị tài sản, bảo đảm công tác quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng trong quá trình cho vay.

Từ những lý do nêu trên tôi đề nghị:

Một là cần nâng cao năng lực quản trị của các tổ chức tín dụng, đặc biệt trong công tác thẩm định giá trị tài sản bảo đảm, công tác quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng trong quá trình cho vay.

Hai là Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc việc thẩm định tài sản để hạn chế tình trạng tiêu cực trong việc thẩm định tài sản cho vay. Có như vậy mới hạn chế được sự gia tăng các khoản nợ xấu.

Tôi xin hết. Xin cảm ơn Quốc hội!


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


Tin cùng chuyên mục

 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    370 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.269.411
    Trong năm: 977.222
    Trong tháng: 88.956
    Trong tuần: 17.970
    Trong ngày: 1.311
    Online: 44