Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 3, sáng ngày 15/6/2022, tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa có ý kiến phát biểu của đại biểu Cầm Thị Mẫn, Đại biểu Quốc hội chuyên trách. Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đại biểu Cầm Thị Mẫn.

Đại biểu Quốc hội chuyên trách Cầm Thị Mẫn phát biểu tại hội trường

Kính thưa Chủ tọa phiên họp,

Kính thưa Quốc hội,

Trước hết, tôi tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Dầu khí để kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn về phát triển ngành dầu khí. Với vai trò là một trong những ngành quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, tôi xin có một số ý kiến cụ thể như sau:

Thứ nhất, về nguyên tắc áp dụng pháp luật quy định tại khoản 2 Điều 4 là chưa thực sự phù hợp. Đề nghị cần xem xét lại vì quy định này vẫn chưa giải quyết được xung đột, chồng chéo trong quá trình áp dụng Luật Dầu khí với các luật khác có liên quan như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quản lý và sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Do vậy, để đảm bảo thống nhất, hạn chế xung đột pháp luật giữa Luật Dầu khí và các luật có liên quan, kể cả pháp luật quốc tế và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế, đề nghị cần xem xét quy định rõ trong dự thảo luật nguyên tắc áp dụng Luật Dầu khí theo hướng hạn chế tối đa việc dẫn chiếu đến quy định pháp luật tại luật khác để đảm bảo tính khả thi, rõ ràng và thống nhất trong quá trình thực hiện. Đồng thời quy định rõ phải áp dụng pháp luật dầu khí để thực hiện các nội dung quan trọng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Dầu khí. Cụ thể là hoạt động dầu khí, điều tra cơ bản về dầu khí, dự án Luật Dầu khí theo chuỗi đồng bộ. Theo đó, việc điều chỉnh, áp dụng các luật khác có liên quan đến hoạt động trung nguồn, hạ nguồn cần quy định rõ ràng trong dự thảo luật để tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột, bảo đảm việc áp dụng Luật Dầu khí khi triển khai dự án dầu khí trên thực tế.

Thứ hai, về nội dung điều tra cơ bản về dầu khí. Tôi cơ bản thống nhất với các quy định điều tra cơ bản về dầu khí tại Chương II của dự thảo luật. Tuy nhiên, để áp dụng thuận lợi trong thực tế, đề nghị cần nghiên cứu quy định rõ về cơ chế thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí, cụ thể là giao nhiệm vụ hay đấu thầu, cơ chế thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia điều tra cơ bản về dầu khí, hình thức ghi nhận sự thỏa thuận giữa Nhà nước và tổ chức, cá nhân khi thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí cũng như trình tự, thủ tục, thẩm định, phê duyệt dự án, Báo cáo kết quả.

Thứ ba, tại Chương III dự thảo luật quy định về lựa chọn nhà thầu dầu khí ký kết hợp đồng dầu khí. Theo đó, hợp đồng dầu khí được ký kết giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với nhà thầu dầu khí được lựa chọn thông qua thủ tục lựa chọn nhà thầu dầu khí. Đồng thời, quy định cụ thể việc lựa chọn tổ chức, cá nhân ký kết hợp đồng dầu khí đối với các lô dầu khí mở được thực hiện thông qua một trong các hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào thầu cạnh tranh hoặc chỉ định thầu. Như vậy, lựa chọn nhà thầu dầu khí về bản chất là lựa chọn nhà đầu tư cho dự án dầu khí, khác với lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ hàng hóa cho hoạt động dầu khí, cũng không giống dự án đầu tư thông thường. Chính vì thế, trong dự thảo luật cần bổ sung quy định cụ thể về trình tự, thủ tục lựa chọn nhà thầu để ký kết hợp đồng dầu khí. Theo đó, quy định rõ việc lựa chọn nhà thầu dầu khí áp dụng theo quy định của Luật Dầu khí, không áp dụng Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư để lựa chọn nhà thầu dầu khí, đảm bảo việc áp dụng luật một cách thống nhất.

Thứ tư, về hoạt động dầu khí được quy định tại Chương V, đây là nội dung mới, chưa được quy định trong Luật Dầu khí hiện hành. Do vậy, đề nghị nghiên cứu có quy định đáp ứng các điều kiện Luật Dầu khí được ưu tiên áp dụng trong việc triển khai hoạt động dầu khí, phê duyệt dự án hợp đồng dầu khí. Theo đó, trình tự, thủ tục phê duyệt các báo cáo, kế hoạch phát triển mỏ đại cương, kế hoạch phát triển mỏ sớm và kế hoạch phát triển mỏ. Các báo cáo kỹ thuật khác và dự án dầu khí được thực hiện thống nhất theo quy định tại Luật Dầu khí. Việc triển khai dự án được chia theo từng giai đoạn, phù hợp với từng giai đoạn của hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác. Việc phê duyệt dự án dầu khí là phê duyệt cho từng giai đoạn triển khai dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, để thống nhất với quy định về việc phê duyệt hợp đồng chia sản phẩm của Thủ tướng Chính phủ chính là phê duyệt chủ trương đầu tư cho dự thảo Luật Dầu khí.

Thứ năm, về ưu đãi trong hoạt động dầu khí, cần nghiên cứu bổ sung, mở rộng hình thức cơ chế ưu đãi đối với các hợp đồng đã được ký kết, đang thực hiện có quy mô nhỏ, hiệu quả cận biên nhằm tận thu tài nguyên và tiết kiệm thời gian. Đồng thời, xem xét sửa đổi quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp với các hoạt động dầu khí theo nguyên tắc mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp ưu đãi nhất của lĩnh vực dầu khí cũng bằng với mức thuế suất ưu đãi của các dự án thông thường là 20%. Bổ sung quy định về việc Thủ tướng Chính phủ quy định trình tự, thủ tục để xác định và thực hiện ưu đãi. Đặc biệt là ưu đãi đầu tư mỏ nhỏ cận biên, bao gồm mỏ nhỏ cận biên ở lô mở và mỏ nhỏ cận biên ở lô hợp đồng hiện hữu để thúc đẩy sớm đưa vào khai thác các mỏ nhỏ cận biên. Bổ sung quy định về ưu đãi đầu tư đối với các dự án dầu khí hiện đang triển khai theo hướng:

Một, trường hợp dầu khí quy định ưu đãi đầu tư mới, ưu đãi đầu tư cao hơn thì nhà thầu dầu khí được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật Dầu khí kể từ thời điểm Luật Dầu khí có hiệu lực đến hết thời điểm kết thúc hợp đồng dầu khí.

Hai là, trường hợp Luật Dầu khí quy định ưu đãi đầu tư thấp hơn ưu đãi đầu tư mà nhà thầu dầu khí được hưởng trước đó thì nhà thầu dầu khí được tiếp tục áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định tại hợp đồng dầu khí để đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của các nhà đầu tư trong hoạt động dầu khí phù hợp với thông lệ quốc tế và đảm bảo đầu tư.

Tôi xin hết ý kiến. Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội!


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


Tin cùng chuyên mục

 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    370 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.268.310
    Trong năm: 976.121
    Trong tháng: 88.956
    Trong tuần: 17.970
    Trong ngày: 210
    Online: 31